ThienNhien.Net – Dòng suối Đạ Cọ tại buôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) còn chảy, hàng trăm hộ dận nơi đây còn có nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cây trồng… Tuy nhiên, khi đầu nguồn suối Đạ Cọ bị chặn dòng, phía thượng nguồn, nước khô cạn, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, “hơn 2 năm nay, người dân nơi đây phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nước tưới… cuộc sống gặp nhiều khó khăn”, ông K’ Brèo – mặt trận thôn nói.
Những ngày cuối tháng 3, giữa ánh nắng như đổ lửa ở Đạ Tẻh, chúng tôi vượt hàng chục kilomet đường đất dốc đá, lắm bụi và cua gấp bằng “con ngựa sắt” tìm đến buôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal. Tới đỉnh Tôn K’Long, trời đã bắt đầu trở chiều, hai bên đường là những căn nhà gỗ đơn sơ của bà con nhóm người dân tộc Mạ.
Từ trên vườn điều, ông K’ Hấu, công an viên thôn đang loay hoay tìm nhặt quả điều. Biết tin có người tìm đến, ông liền bỏ tất cả công việc trở về nhà để đón tiếp và kể cho tôi nghe nhiều chuyện của làng, của người dân tộc Mạ tại buôn Tôn K’Long và đau đáu nhất vẫn là chuyện con suối Đạ Cọ trên đỉnh Tôn K’Long khô kiệt, khiến buôn làng lao đao, khốn đốn…
Nhiều thay đổi
Ông K’ Hậu kể rằng, thôn K’Long được thành lập vào năm 2000 theo dự án “giãn dân” của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hơn 284 hộ đồng bào gốc địa phương (người Mạ) ở các xã và thị trấn Đạ Tẻh được đưa lên Tôn K’Long để định canh định cư.
“Hàng chục năm trước, nơi đây thiếu thốn đủ thứ! không có điểm buôn bán! bà con phải vào rừng săn bắt thú rừng, giăng lưới đánh cá và hái rau rừng để ăn… Hồi đó buôn còn nhiều rừng, nhiều thú lắm! Dòng suối Đạ Cọ chảy thẳng phía sau buôn làng khiến nơi đây trù phú.
Con đường vào buôn ngày ấy dốc đứng, nhiều vũng sình lầy, để di chuyển từ thị trấn Đạ Tẻh lên buôn, bà con phải đi bộ hàng chục kilomet. Những hộ khá hơn, họ sắm xe máy “độ” có dây xích bao bọc phần bánh xe mới di chuyển được. Bà con phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng…”, ông K’ Hấu nhớ lại.
Những năm gần đây, nhận thấy được sự khó khăn của bà con, chính quyền địa phương đã cho nâng cấp, mở rộng con đường và nối đường dây điện tới buôn Tôn K’Long. Từ khi có đường đi, lưới điện cuộc sống người dân bắt đầu thay đổi.
Nhiều quán tạp hóa nhỏ bày bán các nhu yếu phẩm, cơ sở thu mua nông sản hình thành. “Chúng tôi không phải thủ thức ăn, dầu thắp cho cả tuần, cả tháng như ngày trước. Có đường đi, sản lượng nông sản làm ra như cà phê, chè, điều… được các thương lái thu mua giá hợp lý hơn. Thầy cô giáo yên tâm lên đây dạy con em chúng tôi học chữ…”, ông K’ Hấu nói.
Tại buôn Tôn K’Long, người dân chọn cây điều, cà phê và chè làm cây trồng để “đổi đời”. Nhờ sự chịu khó, chú tâm làm ăn, điều kiện thiên nhiên như đất đai tốt, dòng suối Đạ Cọ làm nước tưới và sự quan tâm đầu tư phân bón, cây giống… của địa phương, cây trồng của bà con đã phát triển tươi tốt.
Ông K’ Hấu cho biết: “Tôi có hơn 1,3 ha đất trồng các loài cây như cà phê, điều và chè đã cho thu hoạch. Nhờ suối Đạ Cọ làm nước tưới nên cây trồng tươi tốt, sản lượng tăng theo năm. Cuộc sống gia đình thay đổi nhiều, tôi sắm được tivi, xe máy… ”.
Kể đến đây, giọng nói của ông K’ Hấu ngắt quãng, khuôn mặt sạm nắng hiện rõ nếp nhan “xệ” xuống, buồn bã: “Nhưng hai năm rồi, cuộc sống bà con bị đảo lộn, bởi dòng suối Đạ Cọ bị khô cạn, hàng trăm hộ dân trong buôn thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cây trồng… nên cây phát triển kém, sản lượng thấp. Để có nước sinh hoạt, chúng tôi đào giếng, nhưng nước giếng bị nhiễm phèn không an toàn và dưới đất có đá bàn khó đào. Về nước tưới, họ thuê xe múc đất và bỏ hơn 5 – 6 triệu đồng để đào ao tưới…. Nhưng mỗi mùa khô, ao chứa cũng thiếu nước… bà con lại gặp khó khăn”.
Tiếng “kêu cứu” từ suối Đạ Cọ
Năm 2007, do nhu cầu bức thiết của người dân, Sở NNPTNT Lâm Đồng đã cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt K’Long, xã Đạ Pal do Hiệp hội L’Appel – Pháp đầu tư. Công trình đưa vào hoạt động vào tháng 5.2007 cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân.
Ông K’ Brèo, mặt trận thôn cho biết: “Có nước sạch để dùng, người dân ai cũng vui mừng. Thế nhưng, đến năm 2015 thì công trình phải đóng cửa. Bà con trong buôn lại phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Sở dĩ công trình cấp nước sinh hoạt K’ Long không hoạt động nữa là do dòng suối Đạ Cọ, vốn có nước chảy ngày nào giờ đã cạn trơ đáy, người dân cho biết. Để biết rõ sự việc, ông K’ Hấu và ông K’ Brèo dẫn chúng tôi đi ngược dòng suối. “Từ khi đầu nguồn dòng suối bị chặn dòng, trạm xử lý bị bỏ hoang”, ông K’ Hấu nói.
Công trình cấp nước sinh hoạt K’ Long được đầu tư gần tỉ đồng, nhưng giờ bị bỏ không. Các hàng mục xuống cấp trầm trọng, xung quanh cây cỏ mọc um tùm…
Tại vị trí tích nước, theo quan sát, ở đây dòng suối Đạ Cọ được ngăn bằng bê tông để tích nước, đây cũng là nguồn nước dẫn đến trạm xử lý nước sạch của Tôn K’Long. Nhưng từ năm 2015, nguồn nước ở đây không còn, trên dòng chảy trơ cát và đá. Tìm đến thượng nguồn của suối Đạ Cọ, vị trí dòng suối bị chặn là giữa một cánh rừng, cách trạm xử lý nước hơn 2km.
Tại đây, dòng suối bị chặn hoàn toàn và hình thành một hồ chứa nước. Hai bên bờ là hai chiếc máy nổ của các hộ dân dùng để bơm nước tưới vườn cà phê. Ông K’ Brèo bức xúc: “Đó các anh thấy chưa, họ ngang nhiên dùng xe ủi đất, xẻ rừng, đào đất, phá rừng dài hàng trăm mét, rộng hơn 3 mét để đặt ống dẫn nước tưới. Họ tự ý chặn dòng suối Đạ Cọ mà chưa hề xin phép ai. Dòng suối bị chặn họ được hưởng nhưng cả trăm hộ dân chúng tôi thì không có nước để dùng”.
Trao đổi với chúng tôi, người dân tại đây cho biết, họ không nắm rõ các hộ dân đã ngang nhiên chặn dòng suối Đạ Cọ mà chỉ biết, các hộ này nằm cạnh công trình Thủy điện Miền Nam là người dân xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm.
Từ hồ chứa nước này, chúng tôi phát hiện kế bên bìa rừng là rẫy cà phê bạt ngàn và có căn nhà tạm được cất lên. Trước vụ việc trên, tại các cuộc họp của thôn xã ban lãnh đạo buôn Tôn K’Long đã nhiều lần phản ánh, tuy nhiên chưa được giải quyết dứt điểm.
“Sau khi nhận được phản ánh của người dân, tôi đã dẫn các cán bộ xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh và cả cán bộ tỉnh đến hiện trường để có biện pháp xử lý… nhưng vẫn chưa có tiến triển. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết để trả lại dòng chảy cho suối Đạ Cọ, để chúng tôi có nước sạch để dùng và tựa vào dòng chảy của suối Đạ Cọ làm nước tưới cây trồng…”, ông K’ Brèo nói.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch xã Đạ Pal cho biết: “UBND xã đã nắm vụ việc và trực tiếp giao cho tôi phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra, giám sát và có hướng khắc phục”. Theo đó, khoảng 10 hộ dân canh tác cà phê thuộc xã Lộc Tân đã chặn dòng ở đầu nguồn suối Đạ Cọ để làm nước tưới và sinh hoạt.
Nhận phản ánh, chúng tôi đã đến tìm các hộ dân này để yêu cầu tháo dỡ, tuy nhiên không gặp. Họ là người dân huyện khác, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn và nằm ngoài thẩm quyền của xã”. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện và huyện đã có đề xuất tỉnh. Theo đó, tỉnh phê duyệt 2 tỉ đồng để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho bà con nơi đây” – ông An nói.
Theo ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, vừa qua UBND huyện Đạ Tẻh đã mời các nhà thầu đấu thầu để tiến hành các giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Thời gian tới, cơ quan chức năng dự tính, sẽ khảo sát, thiết kế khai thông dòng chảy cho suối Đạ Cọ; nâng cấp bể lọc nước; bảo trì sữa chữa đường ống; mở thêm 1 nhánh đường ống mới để cung cấp nước tới các hộ lân cận; khoan giếng nước mới đề phòng mùa khô…