ThienNhien.Net – Hiện nay, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây ra áp lực lớn đến môi trường nước. Nhiều dòng sông ô nhiễm đến mức báo động. Đặc trưng ô nhiễm nước là lan truyền và tác động đến môi trường thủy sinh, nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe người dân là rất lớn. Đáng chú ý, các nguồn gây ô nhiễm ngoài các cơ sở sản xuất lại từ chính người dân…
Các nguồn gây ô nhiễm nước chính do nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, chế biến nông lâm thủy sản; nước thải từ sinh hoạt; nước thải từ sản xuất nông nghiệp… Không những thế, nước thải đô thị vẫn còn là vấn đề nan giải.
Ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trước kia có rất nhiều con sông thơ mộng, giờ đây đã thay bằng những dòng chảy “đen” do đã bị “tẩm” đủ các loại nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, rác thải, xác động vật xả xuống dòng sông.
Sông Phan bắt nguồn từ sườn Nam dãy núi Tam Đảo có vai trò lớn trong cấp thoát nước, ổn định môi trường nhằm duy trì cảnh quan sinh thái cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sông Phan cũng là nguồn cung cấp nước cho sông Cà Lồ và có vai trò quan trọng liên quan đến chất lượng nước sông Cầu – nguồn cung cấp nước cho cộng đồng dân cư phía hạ lưu.
Trước đây, chất lượng nước sông Phan có thể dùng để nuôi nhiều loại tôm cá; đồng thời là tuyến giao thông đường thủy quan trọng. Nay qua báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ước tính bình quân mỗi ngày có gần 20.000m3 nước thải sinh hoạt của hơn 210.000 hộ dân trong lưu vực, 4.000m3 nước thải của các khu và cụm công nghiệp chưa qua xử lý, hơn 21.000m3 nước thải của hàng triệu trâu bò, lợn, gà, vịt và hàng trăm tấn rác thải đổ trực tiếp lấp chặn dòng sông Phan.
Huyện Yên Lạc đã có hàng trăm hộ làm nghề liên quan đến kim loại, phi kim loại, hóa chất, sơn… và kinh doanh tháo dỡ xe ủi, ôtô, xe máy, sắt thép vụn, cao su, nhựa… Các chất thải, nước thải của nhiều hộ dân làm nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước.
Tương tự là con sông Phó Đáy trên địa bàn Vĩnh ngày càng ô nhiễm khi… kinh tế ven sông phát triển. Cuối tháng 3/2017, người ta phát hiện hàng trăm bao tải chứa xác lợn được vứt trên dòng sông Phó Đáy. Số xác lợn này do người lái buôn bị ế, dịch bệnh chết đã vứt xuống sông từ thượng nguồn, trôi dạt về đoạn sông này. Chúng bốc mùi hôi thối khiến người dân hai bên bờ sông rất bức xúc, gây ô nhiễm nguồn nước sông trên diện rộng, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho người và vật nuôi nơi đây cao.
Kẻ mạnh tay “hành hạ” các dòng sông phải kể đến các cơ sở sản xuất lớn. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng (thuộc Công ty cổ phần Khánh Hạ), xóm Bản Chang, xã Chu Trinh, TP. Cao Bằng từ khi đi vào hoạt động vào năm 2013, liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nạn nhân là dòng sông Bằng. Cuộc sống của người dân khu vực xung quanh bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe từ mùi hôi thối độc hại của chất thải. Các cánh đồng lúa không thể canh tác. UBND xã Chu Trinh cho biết liên tục kiến nghị, yêu cầu Công ty cổ phần Khánh Hạ có biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn không chấp hành.
Được biết, cuối năm 2016, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã kiểm tra, lấy mẫu nước thải để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nhiều thông số vượt mức cho phép từ 2 – 10 lần. Cục đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Khánh Hạ 111 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục lỗi vi phạm nói trên và chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Và mới đây nhất, ngày 12/4, ngành chức năng Thanh Hóa công bố kết luận, nguyên nhân chính gây nên tình trạng cá tự nhiên bị chết trên sông Âm thời gian qua là do hoạt động xả thải trái phép của Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh (huyện Lang Chánh). Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh lắp đặt 1 đường ống nhựa PVC D150 và van khóa chôn ngầm dưới lòng đất, đấu nối từ trong công ty xả nước thải không qua xử lý thẳng ra sông Âm. Đáng chú ý, chỉ với 1 đường ống, công ty này vừa hút nước sạch, xả nước bẩn ra sông.
Những vi phạm nghiêm trọng đối với những dòng sông như vậy nhưng xử phạt và giám sát thì sao? Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần Khánh Hạ (Cao Bằng) bị xử phạt 111 triệu đồng nhưng sau đó vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động một cách thách thức mặc cho cả chính quyền địa phương kiến nghị. Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh bị đề nghị xử phạt với số tiền 160 triệu đồng vì xả thải bậy ra sông Âm.
Vấn đề xử phạt là một chuyện nhưng những dòng sông đen đó mang chất độc đi khắp nơi khiến người dân nhiều khu vực khác phải chịu đựng. Sự ô nhiễm trong nước không thể khắc phục sớm và triệt để là rất đáng lo ngại. Số tiền xử phạt một vài trăm triệu đồng không thấm vào đâu so với những hành vi tội phạm môi trường mà những người dân thiếu ý thức và các cơ sở sản xuất này gây ra.
Thiết nghĩ, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, nên chăng cần có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.