ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân trong vùng. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng để lại những hậu quả dài hạn đối với phát triển của Tây Nguyên, đặc biệt là những hậu quả suy giảm tài nguyên.
Do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng với mức độ ngày càng nghiêm trọng gây nên những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đối với khu vực Tây Nguyên, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và khốc liệt hơn, do vậy sự chuẩn bị ứng phó đúng mức và kịp thời là việc hết sức cần thiết, đặc biệt đối với ngành nước và nông nghiệp.
Cần quy hoạch tổng thể
Ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Hỗ trợ Liên minh Tổ chức Oxfam cho biết: Tây Nguyên có 4 lưu vực sông chính là sông Đồng Nai, Sông Ba, Srêpok và Sê San. Các dòng sông của Tây Nguyên có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn. Đây cũng là vùng không thiếu nước cả về nước mặt và nước ngầm.
Tính theo bản đồ mưa thì tổng lượng mưa trên khu vực Tây Nguyên khoảng 90 – 100 tỉ m3 (trong đó vào mùa mưa, lượng nước chiếm tới 85 – 90% tổng lượng mưa trong năm) tạo nên lượng dòng chảy mặt trong các hệ thống sông trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 48 – 50 tỉ m3/năm và dòng ngầm khoảng 7 tỉ m3/năm. Theo tính toán nhu cầu sử dụng nước hiện nay khoảng 6,8 tỷ m3/năm – chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nước của Tây Nguyên.
Hiện tại, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được 2.354 công trình thủy lợi (1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm và 62 công trình khác) để tưới cho khoảng 214.645 ha, chỉ đáp ứng 28% nhu cầu tưới tiêu toàn vùng. |
Đến nay, vùng Tây Nguyên đã lập một số quy hoạch thủy lợi, phát triển nguồn nước, căn cứ vào quy hoạch nhiều công trình đã được xây dựng nhằm đối phó với những vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên các quy hoạch này chỉ lập cho từng lưu vực sông riêng lẻ hoặc theo ranh giới hành chính của từng tỉnh, huyện, thời gian lập quy hoạch không đồng nhất và chưa nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đứng trước sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu, sự gia tăng các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi vùng Tây Nguyên phải xây dựng một quy hoạch tổng thể thủy lợi đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 vừa là cơ sở để giải quyết những bài toán phức tạp về vĩ mô trong tương lai, vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội luôn đi đúng hướng, ổn định và bền vững.
Vì vậy cần phải có một quy hoạch tổng quát về phát triển thủy lợi nhằm từng bước ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao mức đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, dòng chảy môi trường hạ du trong mùa khô, tiêu thoát nước, chống lũ góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Quản lý hiệu quả tài nguyên nước
Ông Trần Đình Thu, Ủy viên Chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trong những năm qua, một số công trình thủy lợi vùng Tây Nguyên đã được đầu tư nhưng còn giàn trải, hiệu quả chưa cao. Kênh mương thì cao chênh vênh, người dân đào giếng ở những chỗ không có nước trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. “Theo tôi những công trình này nên chuyển cho dân làm chủ đầu tư, người tự dân làm và có hỗ trợ của nhà nước thì rất hiệu quả. Cần hướng tới người dân được hưởng lợi, đồng bào tại chỗ được hưởng lợi thì mới có hiệu quả”, ông Trần Đình Thu kiến nghị.
Trong thời gian tới, để đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt cần thống nhất và quán triệt sâu sắc quan điểm, Tây Nguyên nếu muốn tồn tại và phát triển thì phải có giải pháp để “giữ cho bằng được” nước ở lại trong vùng. Nếu muốn giữ nước thì cần phải khôi phục, bảo vệ và phát triển bảo vệ rừng Tây Nguyên.
Vì thế, những giải pháp được đưa ra là: Quản lý tổng hợp tài nguyên nước; xây dựng và củng cố hệ thống chính sách – pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên nước; hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên và chia sẻ lợi ích từ sử dụng tài nguyên nước. Xây dựng và vận hành tốt các quy chế vận hành hồ chứa – liên hồ chứa. Kiên quyết không thực hiện những dự án thủy điện chuyển dòng nước sang lưu vực khác. Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong chỉ đạo, giám sát và thúc đẩy việc quản lý, liên kết, chia sẻ và sử dụng tài nguyên nước giữa các bên liên quan để tránh trường hợp “cát cứ”, “chỉ biết mình”.