ThienNhien.Net – Các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng cần tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, xã hội và tiết kiệm năng lượng.
Đây là nội dung trong dự thảo Sổ tay “Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội” phục vụ hoạt động tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng và dự kiến ban hành trong năm 2017.
Để từng bước đưa công tác quản lý rủi ro môi trường-xã hội vào hoạt động xem xét, phê duyệt cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong 10 ngành cụ thể (nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại) nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện để phục vụ cho công tác thẩm định, ra quyết định cấp tín dụng.
Theo IFC, tín dụng xanh là những khoản cấp tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án ít gây rủi ro đối với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường.
Về thực trạng về tín dụng xanh, đến hết quý IV/2016, dư nợ tín dụng đạt khoảng 84.781 tỷ đồng (tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015; tăng 4,4% so với 30/9/2016), chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với khoảng 3,2 triệu hợp đồng tín dụng. Dư nợ tín dụng đã qua khâu đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỷ đồng với 129.083 hợp đồng. Có thể nhận thấy đây là tỷ trọng còn khá nhỏ trong trong tổng dư nợ tín dụng nhưng có xu hướng tăng ngày càng nhanh.
Do đó, NHNN đặt ra mục tiêu định hướng cho các TCTD xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia cần tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, xã hội và tiết kiệm năng lượng. Sổ tay hướng dẫn này sẽ là tài liệu tham khảo, mang tính chất khuyến khích áp dụng.
Theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì thực hiện: “Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính-tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính-ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh”.