ThienNhien.Net – Sau khi đăng tải các bài viết có liên quan đến ngành lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang, phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, biệt phái PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang.
Mở đầu câu chuyện, GS.TS Phạm Văn Điển cho biết, một trong những chủ đề rất quan trọng đối với ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang là lựa chọn độ che phủ hay giá trị kinh tế của rừng. Tỉnh Hà Giang những năm gần đây đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo như Nghị quyết của Tỉnh ủy số 09/NQ/TU, Quyết định của UBND tỉnh số 1223/QĐ-UBND.
Bên cạnh đó, nhu cầu gia tăng độ che phủ của rừng ở tỉnh Hà Giang là cần thiết, có tiềm năng và phù hợp với thực tế. Bởi diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 566 nghìn ha (chiếm 71,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh).
PV: Vậy ngành lâm nghiệp Hà Giang có những tiềm năng và thế mạnh gì, thưa Giáo sư?
GS.TS Phạm Văn Điển: Tiềm năng của lâm nghiệp Hà Giang là rất lớn và có thể được tóm tắt trong 03 từ: Vị thế, lâm sản và dịch vụ môi trường rừng.
Vị thế, thiên nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt đã đặt ngành lâm nghiệp tỉnh Hà giang vào vị thế rất quan trọng. Hà Giang cần phải đi lên từ nền kinh tế sử dụng đất dốc. Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 71,5%, diện tích đất dốc từ 15 độ trở lên chiếm tới 86%, có hàng chục nghìn hộ gia đình sống cheo leo trên sườn dốc, nhiều nguồn sinh lợi cũng từ trên đất dốc mà ra, nên lâm nghiệp đã tự thân trở thành một “trụ đỡ” cho nền kinh tế và an sinh xã hội trên bề mặt của vùng đất dốc. Không gì có thể thay thế được vai trò của “trụ đỡ” này. Đó chính là tiềm năng lớn và cũng là vị thế đặc biệt của rừng và ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang, nơi có công viên địa chất toàn cầu – cao nguyên đá Đồng Văn, là di sản văn hóa thế giới và cũng là niềm tự hào của mỗi người dân chúng ta, nơi địa đầu của tổ quốc.
Lâm sản, các giống loài phong phú và có giá trị kinh tế cao là một tiềm năng và lợi thế lớn cho việc tạo thu nhập cao từ trong lòng độ che phủ của rừng. Các huyện vùng thấp có lợi thế chủ yếu là lâm sản gỗ, với vùng nguyên liệu có thể thiết lập lên tới 70 nghìn ha. Các huyện vùng cao có lợi thế về lâm sản ngoài gỗ và gỗ quí.
Dịch vụ môi trường, nằm trên vùng thượng nguồn, chúng ta cũng có lợi thế trong việc bán giá trị dịch vụ môi trường rừng, gồm cả giá trị dịch vụ thủy văn, dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng và giá trị tích lũy carbon của rừng.
PV: Hà Giang có nhu cầu tăng độ che phủ của rừng không, thưa Giáo sư?
GS.TS Phạm Văn Điển: Trong thực tế, đất không quy hoạch cho lâm nghiệp (không phải đất lâm nghiệp) có hơn 21 nghìn ha rừng. Mặt khác, có trên 40 nghìn ha trong số diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (là đất lâm nghiệp), nhưng người dân không phát triển rừng, chỉ canh tác cây hoa màu…
Như vậy, diện tích đất lâm nghiệp tức là diện tích cần có rừng cây che phủ, sau khi bù trừ và loại trừ những diện tích “phi thực tế”, “phi sản xuất” như núi đá, đất xương xẩu, v.v…, cũng còn xấp xỉ 500 nghìn ha, tương đương 62% tổng diện tích tự nhiên.
Nói cách khác, độ che phủ của rừng ở tỉnh Hà Giang có thể được duy trì ở mức tối đa là 62% (vào năm 2025). Hiện nay, độ che phủ của rừng (tính cả ở đất ngoài lâm nghiệp) là 56,2%. Điều đó có nghĩa là, việc tăng độ che phủ của rừng vẫn là một nhiệm vụ thường trực trong khoảng 10 năm tới.
PV: Thưa Giáo sư, được biết tỉnh Hà Giang đã có định hướng phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Vậy đâu là điều cần được quan tâm giải quyết có liên quan đến độ che phủ nói trên?
GS.TS Phạm Văn Điển: Kết cấu độ che phủ của rừng là một chỉ số quan trọng cần được quan tâm giải quyết. Bởi khả năng bảo vệ môi trường và sức đề kháng của rừng tự nhiên đối với biến đổi khí hậu thường lớn hơn nhiều so với khả năng của rừng trồng. Đề án “Định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh HG” đã xác định rõ, độ che phủ tối thiểu của rừng tự nhiên là 40% (của rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo lần lượt là 15, 15 và 10%), phần còn lại do rừng trồng đảm nhiệm (22%). Đối với Hà Giang, kết cấu hợp lý về độ che phủ của rừng là hai trong một (rừng tự nhiên 2 phần, rừng trồng 1 phần). Phát triển rừng trồng để vừa có độ che phủ, vừa tạo thu nhập kinh tế cho nông dân chính là thực hiện giải pháp hai trong một, là thể hiện hướng phát triển kinh tế và kinh doanh dựa trên độ che phủ.
PV: Vậy giải pháp hai trong một này mục tiêu là gì thưa Giáo sư?
GS.TS Phạm Văn Điển: Giá trị kinh tế của rừng được biểu hiện và được phát huy ở trong lòng độ che phủ của rừng. Độ che phủ tăng, tức là có nhiều rừng hơn. Cái mà chúng ta cần, là có “màu vàng” ẩn chứa trong “màu xanh” của rừng. “Màu vàng”, tức là giá trị kinh tế. “Màu xanh”, ý nói đến mức độ nhiều hay ít của rừng. Có nhiều rừng, thì cũng có nhiều cơ hội làm ra giá trị kinh tế từ rừng.
Giá trị kinh tế cao, chất lượng của độ che phủ càng lớn. Lúc này, rừng đáp ứng cả hai mục tiêu: bảo vệ môi trường và cung cấp lâm sản, tạo ra giá trị cao cho nền kinh tế sử dụng đất dốc. Thu nhập từ rừng chính là biểu hiện của thu nhập “xanh”. “Kinh tế rừng” chính là biểu hiện của “nền kinh tế xanh”, là nền tảng cho nhiều đột phá và cũng là một trong không nhiều thương hiệu đặc sắc của tỉnh Hà Giang trong tương lai.
PV: Thưa ông, trong tương lai Hà Giang cần phát triển rừng theo hướng nào?
GS.TS Phạm Văn Điển: Từ năm 2025 trở đi, độ che phủ của rừng đạt tối đa và được duy trì ổn định ở mức 62%, mỗi khu rừng là một nguồn sống bền vững và có ý nghĩa cho người làm rừng. Độ che phủ được duy trì dựa trên rừng tự nhiên làm chính (chiếm 2/3). Kinh tế rừng được dựa vào lâm sản gỗ ở rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ ở rừng tự nhiên làm chính. Vùng cao cần dựa vào rừng tự nhiên. Vùng thấp (vùng động lực) cần đi lên từ kinh doanh rừng trồng.
Đối với rừng tự nhiên, cần xây dựng rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ hoặc là rừng cung cấp dược liệu, hay rừng cung cấp lương thực, thực phẩm để có thêm giá trị kinh tế trú ẩn trong lòng độ che phủ.
Đối với rừng trồng, cần xây dựng rừng cung cấp gỗ cao sản và bền vững qua nhiều chu kỳ. Những giải pháp cụ thể để giải quyết các bài toán nêu trên đã được bàn luận trong Đề án định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang, trong đó đã chỉ rõ phạm vi không gian, thời gian và hướng tác nghiệp ưu tiên đối với từng loại rừng.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!