ThienNhien.Net – Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm đang chịu áp lực tuân thủ hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định liên quan về an toàn. Thế nhưng, bất cập ở chỗ sản phẩm khi đưa ra thị trường nước ngoài lại không đáp ứng được quy chuẩn an toàn từ phía đối tác…
Rối mù với hàng nghìn quy định
Trong Diễn đàn chính sách thương mại: “An toàn thực phẩm (ATTP) – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy trình chế biến nông sản đáp ứng được quy định của các thị trường lớn.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về quy mô vốn và công nghệ. Số doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và có khả năng chuẩn bị cho những thách thức khi tham gia thị trường quốc tế còn quá ít. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chủ yếu hoạt động gia công sản phẩm cho các tập đoàn nước ngoài. Thực phẩm có chất lượng tốt không mang nhãn hiệu trong nước, khiến giá trị nông sản của Việt Nam bị giảm sút.
Ngoài ra, do có quá nhiều quy định về ATTP trong nước cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện có một luật, một nghị định, 80 thông tư của ba bộ quản lý và hơn 900 quy chuẩn quốc gia khác liên quan đến quy định về ATTP. Với cả “rừng” văn bản quy định như vậy khiến doanh nghiệp chịu áp lực lớn.
Tuy có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng các kết quả kiểm nghiệm thực phẩm lại có sai số cao, thậm chí không chính xác khiến doanh nghiệp bị lao đao khi đối tác thử nghiệm lại cho kết quả không đạt yêu cầu. Điều đó khiến cho hàng hóa bị đối tác nước ngoài trả về, gây thiệt hại kinh tế và giảm sút uy tín doanh nghiệp. Gần đây nhất, Australia đã có lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ Việt Nam kể từ ngày 9-1-2017 và kéo dài trong 6 tháng do nghi ngờ bệnh đốm trắng. Tuy sau đó lệnh cấm đã được nới lỏng nhưng vẫn gây khó khăn và thiệt hại cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Gỡ bỏ rào cản
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán Thứ nhất phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn khá ít, chiếm tỷ trọng chỉ 1,8% và đa phần là những sản phẩm thô, giá trị thấp. Theo bà Miriam Garcia Ferrer, EU không làm khó doanh nghiệp, quy định về ATTP của EU cũng không quá phức tạp mà chỉ yêu cầu cao về chất lượng nhằm bảo đảm cho người tiêu dùng. Nguyên tắc quản lý ATTP tại EU là dựa vào lịch sử tuân thủ các quy định của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp chấp hành tốt sẽ ít bị kiểm tra, nếu vi phạm sẽ bị tăng tần suất kiểm tra so với trước. Nếu đáp ứng được yêu cầu của EU thì có thể dễ dàng thỏa mãn yêu cầu các thị trường khác trên thế giới.
Khuyến nghị về vấn đề bảo đảm ATTP đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật sao cho hợp lý. Ngoài ra, cũng cần chú ý vấn đề nâng cao năng lực hạ tầng chất lượng phục vụ kiểm soát chặt chẽ chất lượng thử nghiệm, chứng nhận, giám định đáp ứng theo chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm bảo đảm sự chính xác theo yêu cầu.
Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh ATTP và kiểm dịch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát ATTP theo chuỗi thay vì kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, phía doanh nghiệp cần có định hướng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông sản, thực phẩm. Có như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới có thể nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản, thực phẩm trên thị trường quốc tế.