Sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp: Thiếu vắng vai trò giám sát của các tổ chức xã hội và cộng đồng

ThienNhien.Net – Tính đến ngày 31/12/2015, Việt Nam có 14.061.856 ha rừng, được quản lý bởi 8 nhóm đối tượng, trong đó nhóm công ty nông lâm nghiệp nhà nước quản lý 1.454.361 ha, chiếm 10,34% tổng diện tích[1]. So với năm 2014, diện tích rừng do nhóm này quản lý năm 2015 giảm 437.980 ha[2], tức hơn 30%. Đây là kết quả của việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/NĐ-CP/2014 về việc tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Số diện tích giảm đi này, theo báo cáo sơ bộ quá trình thực hiện Nghị định 118, là diện tích không còn thuộc quy hoạch cho các công ty nông lâm nghiệp và được giao trả lại địa phương thông qua quyết định thu hồi đất của UBND cấp tỉnh để giao cho các đối tượng khác có nhu cầu, ưu tiên giao cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất và đất ở theo mức bình quân chung tại địa phương. Tuy nhiên, việc giao trả này trong vài năm qua diễn ra khá chậm, thậm chí nhiều nơi còn xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do quá trình rà soát, bàn giao đất chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là thiếu vắng vai trò giám sát của các tổ chức xã hội và các cộng đồng.

Ảnh minh họa: PanNature

Hiện hầu hết các địa phương đã được phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị định 118. Cụ thể, với các công ty nông lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả, buông lỏng quản lý thì sẽ tiến hành giải thể, số còn lại được sắp xếp đổi mới theo một trong sáu hình thức sau: i) Công ty 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; ii) Công ty 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; iii) Công ty cổ phần nhà nước nắm hoặc không nắm cổ phần chi phối; iv) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; v) Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu; và vi) Sáp nhập vào ban quản lý rừng phòng hộ liền kề. Diện tích rừng và đất của các công ty nông lâm nghiệp sau sắp xếp đổi mới một phần được giao trả về cho chính quyền địa phương để giao cho các đối tượng khác có nhu cầu, ưu tiên giao cho hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất.

Tuy Nghị định 118 được ban hành từ năm 2014 nhưng đến tháng 5/2016, việc triển khai thực hiện Nghị định mới dừng ở việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp. Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị định 118 của Bộ NN&PTNT , hiện cả nước  mới có 49 tỉnh, thành phố, bộ, ngành thực hiện việc sắp xếp đổi mới cho 254 công ty nông lâm nghiệp (gồm 120 công ty nông nghiệp, 134 công ty nông lâm nghiệp). Tính đến ngày 31/5/2016, có 251 công ty đã được Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định và xác định mô hình sắp xếp đổi mới, trong đó có 243 công ty nông lâm nghiệp (gồm 114 công ty nông nghiệp và 129 công ty nông lâm nghiệp) thuộc 37 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới tổng thể. Diện tích đất lâm nghiệp dự kiến giao về địa phương là 452.055 ha.

 

STT

 

Mô hình sắp xếp đổi mới

Chia ra
Tổng số Công ty nông nghiệp Công ty nông lâm nghiệp
1 Công ty 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 60 0 60
2 Công ty 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 17 14 3
3 Chuyển thành công ty cổ phần 103 73 30
3.1. Nhà nước không nắm cổ phần chi phối 45 24 21
3.2. Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối 58 49 9
4 Thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên 37 17 20
5 Chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu 4 0 4
6 Giải thể 28 12 16
7 Sáp nhập vào ban quản lý rừng phòng hộ liền kề 1 0 1
8 Chưa xác định mô hình 4 4 0
Tổng số 254 120 134

 

Mô hình sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị định 118, nguồn: Báo cáo số 5258/BC-BNN-QLDN ngày 23/06/2016 của Bộ NN&PTNT về kết quả thực hiện Nghị định 118

Mặc dù tổng diện tích đất bàn giao lại không nhiều, song quá trình rà soát, bàn giao tại các địa phương diễn ra khá trễ. Theo nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) phối hợp cùng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo (RDPR), nguyên do của sự chậm trễ là do việc sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp chủ yếu mới tập trung vào “phần ngọn” tức sắp xếp lại tổ chức (đổi tên) mà chưa quan tâm đến rà soát, đánh giá quỹ đất của mình và chú ý đến nhu cầu sử dụng đất rừng của người dân địa phương. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo sắp xếp đổi mới giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương phối hợp thiếu chặt chẽ, thống nhất. Đặc biệt, quá trình rà soát đất đai chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, trong đó đóng vai trò rất quan trọng là tổ chức xã hội và cộng đồng thường bị bỏ qua, nhiều địa phương và công ty nông lâm nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, nhất là cộng đồng dân cư miền núi. Hệ quả của việc bàn giao đất chưa được thực hiện kịp thời dẫn đến tình trạng đất vô chủ, đất không có người quản lý kéo dài, tạo khe hở cho người dân lấn chiếm trái phép[3]. Thậm chí, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai giữa công ty nông lâm nghiệp và người dân dưới nhiều hình thức như: lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất không đúng quy định; không thực hiện hoặc chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai của các công ty nông lâm nghiệp[4].

Quay trở lại vấn đề gốc rễ, trong một báo cáo liên quan, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận thực trạng lộn xộn và nhìn nhận nguyên do cơ bản là do các công ty nông lâm nghiệp nhà nước thường không đủ thời gian để tham vấn địa phương về các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động và tài sản trên đất cũng như việc khoán đất, khoán rừng trong quá trình rà soát, bàn giao hiện trạng đất. Trong khi đó, hành lang pháp lý đảm bảo cho sự tham gia giám sát của công dân nói riêng và giám sát việc quản lý quỹ đất sau sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp nói chung được đề cập trong khá nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất đai 2013, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân số 87/2015/QH13; Nghị Quyết 112/2015/QH13 của Quốc Hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng… Các văn bản này là cơ sở quan trọng để người dân và cộng đồng địa phương có thể tự mình tham gia hoặc thông qua tổ chức đại diện để giám sát quá trình bàn giao quỹ đất sau sắp xếp đổi mới của công ty nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức xã hội và người dân chưa thể thực thi giám sát bởi chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát này. Nghị định 118/2014 chưa có một dòng nào quy định phương án sắp xếp đổi mới phải lấy ý kiến của người dân và chính quyền địa phương.

Nhằm gỡ vướng cho thực trạng này, thiết nghĩ các địa phương cần xây dựng tiêu chí, hạn điền và quy trình giao đất giao rừng có sự tham gia đầy đủ để thực hiện tái phân bổ quỹ đất sau thu hồi từ các công ty nông lâm nghiệp. Cụ thể, UBND các tỉnh cần thành lập một Tổ chuyên trách với sự tham gia của tất cả các bên liên quan (ngành tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền huyện/xã, đại diện cộng đồng…). Các bên này sẽ dựa vào bộ cơ sở dữ liệu về rà soát diện tích đất đai sau khi các công ty nông lâm nghiệp đã giao trả để cùng thảo luận và thống nhất theo nguyên tắc đồng thuận về các tiêu chí xác định đối tượng được giao đất, hạn mức giao đất, quy trình giao đất, các bước tham vấn và phản hồi cho người dân. Khi giao đất giao rừng, nên có tiêu chí về ưu tiên giao cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, người nghèo. Ngoài ra, các tỉnh cần xem xét khả năng giao đất lâm nghiệp theo nhóm hộ nhằm tạo quỹ đất lớn phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn (trồng cây gỗ lớn trên diện tích lớn), đồng thời xem xét tạo quỹ đất để gom những hộ dân đã vào sâu trong rừng xâm canh xâm cư ra bên ngoài, tạo thuận lợi trong quản lý, giám sát sau này. Mặt khác, các tỉnh cũng cần xem xét quy hoạch đất cho mục đích sản xuất nông nghiệp vừa đủ diện tích, còn lại thì giữ nguyên là đất lâm nghiệp để bảo vệ và  phát triển rừng. Những trường hợp người dân hiện đang bao chiếm diện tích đất lớn, vượt quá hạn điền quy định thì bắt buộc phải trả lại diện tích vượt hạn điền để chia cho các hộ thiếu đất sản xuất khác hoặc phải trả tiền thuê đất hàng năm.

Về vấn đề giám sát, để người dân và các tổ chức xã hội có thể tham gia vào quá trình rà soát,  bàn giao, cần tăng cường minh bạch thông tin trong quản lý sử dụng đất của công ty nông lâm nghiệp liên quan đến thay đổi sử dụng đất và tài nguyên rừng (ví dụ như khoán, bảo vệ rừng). Người dân tại chỗ cần được ưu tiên đối với nguồn tài nguyên đất, rừng trước khi thực hiện việc giao, khoán cho các đối tượng bên ngoài cộng đồng. Song song với đó, cần áp dụng Cơ chế đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (Free Prior Informed Consent – FPIC) hiện đang được Chính phủ nghiên cứu áp dụng trong các dự án REDD+ (giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng). Đặc biệt, để quá trình giám sát phát huy hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần sớm thể chế hóa cơ chế giám sát của công dân, cụ thể là trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến và hoàn thiện.

Ngô Văn Hồng – Liên minh Đất rừng (Forland)


[1] Quyết định 3158/QĐ-BNN-TCLN do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký ngày 27/07/2016 về việc công bố hiện trạng rừng năm 2015.

[2] Quyết định 3135/QĐ-BNN-TCLN do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký ngày 06/08/2015 về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2014.

[3]Báo cáo số 614/BC-CP ngày 09/11/2015của Chính phủ về Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các NLTQD giai đoạn 2004-2014.

[4]Báo cáo 1010/BC-UBTVQH13 ngày 23/11/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.”