ThienNhien.Net – Khi nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang đi vào hoạt động thử nghiệm, người dân xung quanh đó đã phải gánh chịu mùi hôi, bụi than và cả tiếng ồn.
Như VOV.VN đã thông tin, từ khi nhà máy giấy Lee&Man vận hành thử trở lại, cuộc sống người dân ở xung quanh bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm, nhất là mùi hôi phát ra từ nhà máy. Việc xử lý mùi hôi này sẽ được tiến hành ra sao, làm gì để nhà máy giấy Lee&Man thực hiện tốt các qui định về môi trường?
Ông Chung Wai Fu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết: Từ khi nhà máy vận hành thử nghiệm mỗi ngày đều có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các ngành chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, nhà máy không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế ở một số khâu.
Thông qua sự góp ý của Bộ Tài nguyên- Môi trường và Tổ giám sát, cũng như ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, Nhà máy đang nhanh chóng cải thiện, hoàn thiện những công trình, lắp đặt thêm những thiết bị để trước khi đi vào vận hành chính thức đảm bảo môi trường một cách tốt nhất.
Vì muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam nên quan điểm của nhà máy là sẽ xử lý tốt tất cả các khâu để không làm ảnh hưởng đến môi trường, gây tổn hại sức khỏe người dân trong vùng. Ông Chung Wai Fu thừa nhận khi vận hành thử, nhà máy có phát ra mùi hôi. Đây là mùi từ hệ thống thu hồi bùn hoạt tính sau xử lý nước thải. Vấn đề này Nhà máy đã và đang khẩn trương khắc phục.
“Hai tuần trước đã nhận được phản ánh của chính quyền địa phương cũng như người dân thị trấn Mái Dầm về mùi hôi phát ra từ Nhà máy trong quá trình vận hành thử nghiệm thì ngay lập tức chúng tôi mua lắp đặt 2 thiết bị máy ozone để khử mùi hôi. Chúng tôi quyết định mua thêm 6 máy ozone để tiếp tục xử lý dứt điểm mùi hôi này và chúng tôi dự kiến trong khoảng thời gian một tháng sẽ xử lý được và đảm bảo là không có mùi hôi ảnh hưởng đến người dân nữa”, vị này cho hay.
Vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm là sắp tới, Nhà máy giấy Lee&Man có làm tốt được các khâu để việc xử lý chất thải trước khi ra môi trường đạt yêu cầu hay không?
Là nhà khoa học từng thực tế một số nhà máy giấy trên thế giới và cũng đã trực tiếp vào khảo sát tại nhà máy giấy Lee&Man, Giáo sư– Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết: Làm giấy thì cần nhiều nước, nếu sử dụng nước sinh hoạt trong thành phố thì rất tốn kém nên các nhà đầu tư xây dựng nhà máy giấy thường chọn những nơi gần sông để lấy nước. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến các nhà máy giấy trên thế giới đã xử lý rất tốt các khâu, thực hiện tốt các qui định về bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước.
Ở Việt Nam nhu cầu sử dụng giấy rất lớn tuy nhiên trong thời gian qua phải nhập từ các nước, chủ yếu là Indonesia nên rất tốt kém. Với việc xây dựng nhà máy giấy tại Hậu Giang, nhà đầu tư đã bỏ ra nguồn kinh phí rất lớn thì chắc chắn phải nắm vững những qui định của pháp luật Việt Nam về môi trường, nắm vững qui trình, kỹ thuật xử lý chất thải để không ảnh hưởng đến môi trường.
Chính vì vậy, để bảo vệ được môi trường, ngoài việc nhà đầu tư tuân thủ các qui định của pháp luật, triển khai xây dựng và vận hành đúng như cam kết thì vấn đề cốt lõi là chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải có qui trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bởi theo GS Võ Tòng Xuân, thời gian qua một số nơi, công tác quản lý môi trường bị lơi lỏng và đã có những hậu quả không hay. Đó cũng là một tiền đề để cho nhà máy giấy Lee&Man lưu ý. “Tôi chắc chắn rằng lãnh đạo Nhà máy giấy Lee& Man rất biết việc làm thế nào để giữ cho môi trường ở đây nó tốt, nhất là ở gần sông Hậu và lãnh đạo Nhà máy cũng biết rằng nếu có vài sự cố xảy ra thì nó sẽ đưa đến hậu quả là nhà máy phải ngừng hoạt động”, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân nói.
Ông Trần Công Chánh- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Khi dư luận đặt vấn đề Nhà máy giấy Lee&Man khi đi vào hoạt động sẽ xả ra lượng nước thải “bức tử” sông Hậu, tác động xấu đến môi trường, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, sau khi đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên- Môi trường đến kiểm tra Nhà máy và có góp ý, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các thủ tục về đánh giá tác động môi trường cùng một số vấn đề khác và được doanh nghiệp phối hợp tốt.
Thời gian qua, Sở cùng các ban ngành phối hợp với Nhà máy giấy thực hiện những hạng mục, công đoạn mà Đoàn kiểm tra, tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý, hướng dẫn, như hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể, xây dựng hồ sinh thái, đưa đường ống xả thải trước khi xả thải ra sông Hậu từ dưới đất lên trên mặt đất để chính quyền và người dân dễ quan sát, giám sát; xây dựng hồ sinh thái với sức chứa 40 ngàn mét khối để lưu giữ nước thải sau khi xử lý, trước khi xả thải ra sông Hậu, các phương án ứng phó sự cố…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ TN-MT cũng vừa chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhà máy mà báo chí đã phản ánh để báo cáo lãnh đạo, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo Sở TN-MT, các cơ quan có liên quan của tỉnh phối hợp, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy giấy Lee&Man theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN-MT về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.