ThienNhien.Net – Thôn bản hay cộng đồng dân cư thôn là đơn vị xã hội tự quản có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng cộng đồng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Luật BVPTR năm 2004, cộng đồng dân cư thôn bản vẫn chưa được nhìn nhận và tiếp cận đầy đủ quyền tham gia quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng như các chủ rừng khác. Việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn từ trước đến nay được thực hiện chủ yếu theo các chương trình, dự án mang tính thí điểm, do đó kết quả thực hiện còn khiêm tốn so với nhu cầu quản lý rừng của các cộng đồng. Trong số diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà Nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn thì chỉ một phần trong đó là rừng truyền thống của cộng đồng được công nhận, pháp lý hóa (rừng tín ngưỡng, rừng nguồn nước, rừng được khai thác sản phẩm sử dụng chung của cộng đồng), còn lại phần lớn vẫn trong tình trạng chồng lấn với rừng do tổ chức quản lý (Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp) hoặc thuộc vùng do UBND xã quản lý.
Trong khi rừng tín ngưỡng, rừng tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư được giao phát huy hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý thì một số khu rừng giao cho cộng đồng lại nảy sinh một số bất cập, phụ thuộc vào phương pháp tiếp cận khi tổ chức giao (giao chưa phù hợp với phong tục tập quán), phụ thuộc vào cơ chế hưởng lợi, do đó một số nơi còn xảy ra tình trạng mất rừng, xâm lấn rừng. Do đó, để nâng cao hiệu quả giao rừng cho cộng đồng thôn bản, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền sở hữu, quản lý, khai thác và hưởng dụng tài nguyên rừng cho cộng đồng thôn bản.
Bất cập trong việc giao rừng cho cộng đồng
Thôn bản vốn không phải là đơn vị kinh tế mà là đơn vị xã hội quản lý sử dụng rừng vì mục tiêu văn hóa xã hội và lợi ích chung của cộng đồng thôn bản. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách về quản lý rừng thôn bản, nhiều chương trình/dự án thí điểm giao đất giao rừng cho cộng đồng lại thường chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế rừng, do đó thường tập trung lựa chọn giao các khu rừng sản xuất để có cơ sở hỗ trợ khai thác và chia sẻ lợi ích từ rừng theo hướng kinh tế rừng (thương mại rừng). Tuy nhiên, khả năng được hưởng lợi kinh tế từ rừng trên thực tế rất khó thực hiện vì rừng giao cho cộng đồng phần lớn là rừng nghèo nên phải chờ thời gian dài (trên 10 năm) mới có sản phẩm khai thác. Bên cạnh đó, thủ tục khai thác hưởng lợi rất phức tạp, chi phí đánh giá trữ lượng cao không phù hợp với điều kiện người dân nên hầu hết các địa phương không thực hiện được. Mặt khác, cộng đồng được giao rừng tự nhiên chưa được chi trả công tác bảo vệ rừng như các tổ chức nhà nước nên không có kinh phí trang trải cho công tác bảo vệ rừng, do đó, rất khó bảo vệ được rừng.
Không chỉ bất cập về vấn đề chia sẻ lợi ích, việc các dự án giao rừng cho cộng đồng phụ thuộc quá lớn vào hỗ trợ bảo vệ rừng của các dự án tài trợ. Trong thời gian dự án hoạt động, cộng đồng vẫn duy trì công tác bảo vệ rừng hiệu quả vì được hỗ trợ chi phí bảo vệ. Tuy nhiên, khi kết thúc dự án, công tác bảo vệ rừng cũng không được duy trì thường xuyên nữa, dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng rừng bị chặt phá, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thêm lý do khiến việc giao rừng cho cộng đồng không đạt được kết quả như ý muốn là một số chương trình/dự án chưa nhận thức đầy đủ về phong tục tập quán quản lý rừng của cộng đồng thôn bản khi giao rừng. Cụ thể, một số chương trình/dự án giao cho cộng đồng thôn bản khu vực rừng luân khoảnh với nương rẫy trước đây thuộc quyền quản lý sử dụng của các hộ gia đình. Sau giao đất giao rừng cho cộng đồng, các hộ gia đình vẫn coi là khu vực luân khoảnh nương rẫy – rừng trước đây của họ nên họ tiếp tục phát rừng làm nương. Bên cạnh đó, việc giao cho cộng đồng thôn bản khu rừng nằm ngoài ranh giới truyền thống (khu vực này thuộc quản lý cộng đồng khác) khiến cộng đồng thôn bản được giao không dám đến bảo vệ do tôn trọng ranh giới truyền thống với cộng đồng bên cạnh hoặc do khu rừng quá xa nơi ở, xa khu sản xuất nên cộng đồng không đủ khả năng bảo vệ. Ngoài ra, còn có trường hợp giao cho hộ gia đình khu rừng khai thác sản phẩm chung của cả cộng đồng (các dân tộc thường gọi là “rừng già – rừng tự nhiên có cây to”) nên cũng nảy sinh mâu thuẫn, vì vậy một số địa phương sau khi giao cho hộ khu vực rừng này đã phải can thiệp thu hồi và giao lại cho cộng đồng vì cộng đồng thôn bản coi đây là rừng chung không phải quản lý riêng của hộ.
6 đề xuất điều chỉnh
Trước tiên, cần điều chỉnh khái niệm chủ thể/chủ rừng là “cộng đồng dân cư thôn” và công nhận chủ rừng là “thôn bản” như Luật Đất đai 2013 đã công nhận. Đồng thời hợp pháp hóa các khu rừng quản lý truyền thống của các cộng đồng dân cư hiện nay đang do UBND xã và Tổ chức quản lý (rừng văn hóa tín ngưỡng/rừng đặc dụng, rừng nguồn nước/rừng phòng hộ, rừng khai thác sản phẩm chung/rừng sản xuất). Điều này sẽ giúp cộng đồng dân cư thôn được đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích, qua đó bà con sẽ yên tâm sử dụng, bảo vệ và phát triển các diện tích rừng được giao.
Luật BVPTR 2004 và các văn bản dưới luật hiện vẫn chưa quy định rõ quyền sở hữu cũng như cơ chế khai thác đối với trường hợp chủ rừng tự đầu tư phục hồi rừng tự nhiên từ đất chưa có rừng và rừng trồng bổ sung làm giàu rừng bằng cây bản địa sau khi được giao rừng tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến rừng bị khai thác không phép và chưa khuyến khích người dân đầu tư phục hồi rừng. Do đó, dự thảo Luật BVPTR sửa đổi nên quy định: nếu hộ gia đình và thôn bản tự đầu tư phục hồi rừng tự nhiên từ đất chưa có rừng và trồng rừng bổ sung bằng cây lâm nghiệp bản địa trong rừng tự nhiên thì họ sẽ được sở hữu rừng tự nhiên tự khoanh nuôi phục hồi từ đất chưa có rừng và rừng trồng bổ sung, làm giàu rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa, đồng thời được khai thác gỗ theo cơ chế khai thác gỗ rừng tự nhiên quy định theo các loại rừng.
Hiện nay, quy định điều kiện các thôn bản được giao rừng còn bỏ ngỏ đối với các thôn bản có nhu cầu phục hồi rừng gắn với văn hóa truyền thống khi di dời tái định cư, định canh, định cư và các thôn bản có nhu cầu quản lý rừng chung được hình thành trong quá trình phát triển. Nhiều cộng đồng dân cư không được giao rừng khi di dời tái định cư, nên khi đến nơi ở mới không có rừng để cộng đồng thực hành văn hóa tín ngưỡng, thực hành sinh kế, cuộc sống gắn với rừng, dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội. Do đó, cần bổ sung vào điều kiện để thôn bản được giao rừng là: (i) Thôn bản di dời tái định cư, định canh định cư được quy hoạch các khu rừng của thôn bản để phục hồi phong tục tập quán quản lý rừng ở nơi ở mới; (ii) Thôn bản có nhu cầu quản lý rừng chung hình thành trong quá trình phát triển.
Mục tiêu giao đất giao rừng cho thôn bản là để đảm bảo rừng có chủ và được bảo vệ tốt, phát huy bản sắc văn hóa gắn với rừng của cộng đồng các dân tộc trong quản lý bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, các chính sách sau giao đất giao rừng về cơ chế khai thác, sử dụng và hưởng lợi hiện nay chưa có những tác động hỗ trợ cho cộng đồng thôn bản tham gia bảo vệ rừng. Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng đối với hộ và cộng đồng thôn bản, cần bổ sung quy định: (i) Cộng đồng thôn bản được nhà nước đảm bảo kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên được giao, được hướng dẫn quy hoạch vùng kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp, vùng canh tác dưới tán rừng, vùng chăn thả gia súc theo quy chế quản lý rừng khi tổ chức giao rừng cho thôn bản; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa; (ii) Được khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác gỗ gia dụng theo quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng của thôn bản và thông báo với UBND xã, kiểm lâm địa bàn; (iii) Được khai thác gỗ thương mại (khai thác chính) theo quy ước, hương quản lý bảo vệ rừng của thôn bản và theo quy chế khai thác gỗ.
Riêng đối với cơ chế khai thác, sử dụng rừng đặc dụng do các Ban quản lý rừng, vườn quốc gia quản lý, một số cộng đồng thôn bản đã định cư cạnh rừng hoặc định cư lâu đời trong các khu rừng này nhưng hệ thống pháp luật về lâm nghiệp hiện nay chưa cho phép các hộ quyền phát triển nông lâm kết hợp, canh tác dưới tán rừng đặc dụng, do đó cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Luật BVPTR sửa đổi cần điều chỉnh theo hướng cộng đồng dân cư tại chỗ sinh sống trong rừng đặc dụng (i) được kết hợp canh tác dưới tán rừng, thu hái các sản phẩm tư rừng cho nhu cầu hàng ngày theo quy hoạch và quy chế đồng quản lý giữa cộng đồng dân cư với ban quản lý rừng; (ii) được khuyến khích tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động dịch vụ để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm và tham gia bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Ngoài những đề xuất nêu trên, Luật BVPTR nên bổ sung nội dung tham gia và lấy ý kiến của người dân địa phương trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng nhằm tránh tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch hoặc quy hoạch không phù hợp với các loại rừng của thôn bản.
Chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hơn lúc nào hết cần hướng tới chủ rừng đích thực ở miền núi là cộng đồng thôn bản tại chỗ. Việc hợp thức hóa và đảm bảo tiếp cận đầy đủ quyền quản lý sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng truyền thống cho thôn bản các dân tộc miền núi vừa là mục tiêu, vừa là động lực để bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội đảm bảo an ninh nguồn nước và an ninh quốc phòng cho quốc gia.
Phan Đình Nhã, Trung tâm CIRUM & Viện Tư vấn phát triển (CODE)