ThienNhien.Net – Thường trực HĐND xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam vừa phát đi yêu cầu tới Thường trực HĐND huyện Phú Ninh và các cấp chức năng xem xét dịch chuyển địa điểm xây dựng mới nhà làm việc của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Ninh đang nằm sát với bờ đập hồ chứa nước thủy điện Phú Ninh, gây mất an toàn cho thủy điện Phú Ninh và công trình lân cận.
Thiếu đủ loại giấy phép
Theo ông Thái Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND xã Tam Đại, để xây dựng được nhà làm việc cho BQL rừng phòng hộ Phú Ninh, phải đào đi khối lượng đất rất lớn, tạo ra độ dốc có nguy cơ gây ra sạt lở vào mùa mưa, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thủy điện Phú Ninh, đập Tư Yên và các công trình lân cận.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Phú Ninh ngày 24/5 cho thấy, công trình nhà làm việc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh đã triển khai hạ coste mặt bằng để chuẩn bị thi công xây dựng mà chưa lập hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Theo Phòng TNMT huyện Phú Ninh, công trình này là công trình xây dựng trên diện tích đất rừng phòng hộ Phú Ninh. Theo quy định tại phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 thì công trình này thuộc trường hợp phải lập và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường so Sở TNMT thẩm định và xác nhận.
Theo một lãnh đạo huyện Phú Ninh, công trình nhà làm việc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh là công trình dân dụng cấp III, 1 tầng, diện tích xây dựng là 396m2, diện tích san nền hơn 1.280m2 và đất thừa vận chuyển đi bãi thải, không ghi rõ số lượng bao nhiêu khối.
Bên cạnh đó, tại Quyết số 4084/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thu hồi đất, giao đất cho Sở NN-PTNT để xây dựng nhà làm việc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh nêu rõ: công trình phải được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng thì mới được tiến hành xây dựng.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Thường trực HĐND huyện và Phòng TNMT huyện, công trình này chưa được cấp phép xây dựng, chưa có giấy phép khai thác tận thu khoáng sản và chưa có hồ sơ bảo vệ môi trường khi vận chuyển đất dư thừa ra khỏi công trình.
Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, Sở chưa nhận được hồ sơ môi trường vận chuyển đất dư thừa tại công trình của Cty TNHH Thành Trí và UBND tỉnh Quảng Nam và cũng chưa có quyết định cấp phép khai thác tận thu khoáng sản tại công trình nhà làm việc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh cho Cty TNHH Thành Trí, mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý về mặt chủ trương và chỉ đạo các Sở, ngành của tỉnh hỗ trợ Thành Trí hoàn thiện hồ sơ để cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành. Chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ, Thành Trí phải lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định pháp luật hiện hành và chỉ được phép tổ chức khai thác khoáng sản khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã hoàn thành các nghĩa vụ có liên quan theo quy định. Nghiêm cấm việc khai thác khoáng sản trái quy định pháp luật.
Phải tuân thủ Pháp lệnh số 32
Một công trình xây dựng mới hoàn toàn, lại nằm trong khu vực, phạm vi rừng phòng hộ Phú Ninh và phạm vi công trình đại thủy nông Phú Ninh, trong đó có công trình hồ chứa nước “Đập cấp 1”, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật liên quan.
Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nêu rõ: phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Việc quy định phạm vi vùng phụ cận phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế, quy trình, quy phạm kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn công trình, thuận lợi cho việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Đối với đập của các hồ chứa nước, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra, trong đó “Đập cấp I” tối thiểu là 300m, phạm vi không được xâm phạm là 100m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập.
Pháp lệnh 32 cũng quy định rõ là trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động sau đây chỉ được tiến hành khi có loại giấy phép: Một, xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Hai, xả nước thải vào công trình thủy lợi; Ba, các hoạt động khác liên quan đến an toàn của công trình thủy lợi theo quy định của Chính phủ. Bộ NN-PTNT quy định thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép.
Tại Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 18/6/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đối với đập của các hồ chứa nước, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra, thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 25 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Thế nhưng, Cty TNHH Thành Trí đã cải tạo mặt bằng công trình trên diện tích hơn 750m2, khoảng cách từ vị trí đào đất đến chân đập Tư Yên, hồ chứa nước Phú Ninh khoảng 50m và đến công trình thủy điện Phú Ninh gần 100m, hạ coste và vận chuyển đất dư thừa ra khỏi công trình với khối lượng khoảng 2.000m3. Hành động này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi mà còn vi phạm pháp luật về xây dựng và môi trường.