ThienNhien.Net – Sáng 30/3, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Đại học Xây dựng và Công ty CP Đầu tư xây dựng & thương mại Phú Điền đã phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề về xử lý Nitơ (N) và Phốt pho (P) trong nước thải đô thị ở Việt Nam.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tính đến hết năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước mới đáp ứng xử lý được khoảng 10% lượng nước thải sinh hoạt và 40% lượng nước thải công nghiệp.
PGS. TS Trần Việt Nga (Đại học Xây dựng) nhận định, sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại, kéo theo lượng nước thải ngày càng lớn.
Trong khi đó, tính đến tháng 11/2016, Việt Nam mới có 35 hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất 850.000m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng xử lý từ 12 – 13% lượng nước thải phát sinh. Phần lớn trong khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc chưa có trạm xử lý nước thải.
Song song với thực tế thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật xử lý, nước và bùn thải khu vực các đô thị hiện chứa quá nhiều chất dinh dưỡng ở dạng các hợp chất của N và P; là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng phú dưỡng trên các sông ngòi, ven biển, đặc biệt là trong các hồ chứa tại khu vực đô thị.
Trong khi đó, Đại diện Bộ TN&MT cho biết, hiện chưa có những quy chuẩn, quy định riêng về xử lý N và P trong nước thải. Điều đó cho thấy, không chỉ hạ tầng kỹ thuật mà cả các quy định pháp lý cũng chưa theo kịp sự gia tăng của nước thải có nồng độ N và P cao.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam, TS Ngô Phương Quý cho rằng, cần phải có bộ quy chuẩn Việt Nam cho các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, trong đó chú trọng quy định về xử lý các thành phần N và P.
“Đặc thù nước thải đô thị của nước ta là thành phần N, P cao gây ra tình trạng phú dưỡng, dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, đe dọa sự tồn tại của thủy sinh vật. Nếu không sớm có biện pháp ứng phó cụ thể với nguy cơ này, môi trường nước, nhất là các hồ đô thị sẽ còn gặp nhiều rủi ro và ô nhiễm” – ông Quý nhấn mạnh.