Vụ phá rừng để nuôi bò: Sẽ báo cáo Thủ tướng

ThienNhien.Net – “Việc khai thác rừng tự nhiên hiện nay là không được phép với bất cứ lý do gì!” – ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT).

Trước thông tin Phú Yên cho xóa 377 ha rừng tại tiểu khu 310, 311 (trong đó có hơn 270 ha rừng tự nhiên) để thực hiện dự án nuôi bò, tối 29-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết cơ quan này sẽ kiểm tra và báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo tỉnh Phú Yên có báo cáo về vụ việc.

“Quan điểm của Thủ tướng xuyên suốt trong công tác bảo vệ rừng là không đánh đổi rừng tự nhiên để thực hiện các dự án làm ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững rừng. Sự việc tỉnh Phú Yên cho chuyển đổi rừng tự nhiên để làm dự án đúng sai thế nào văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo cụ thể” – vị này nói.

Cấm khai thác rừng tự nhiên dưới mọi hình thức

Cùng ngày, ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành kiểm tra việc tỉnh này chuyển mục đích sử dụng, cho phát trắng 377 ha rừng để giao đất cho Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Sông Hinh.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), nêu rõ: “Việc khai thác rừng tự nhiên hiện nay là không được phép với bất cứ lý do gì!”.

Nhấn mạnh lý do của yêu cầu trên, ông Thiện nói: “Thủ tướng đã có chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên không được phép khai thác dưới mọi hình thức”.

Trong khi đó, trả lời PV về vấn đề trên ngày 28-3, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, lại cho rằng: “Có lẽ chúng ta nhầm ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng nói là không được đổi đất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Tỉnh Phú Yên không thuộc khu vực Tây Nguyên”.

Việc hàng trăm hecta rừng tự nhiên bị phá bỏ để thực hiện dự án nuôi bò ở Phú Yên sẽ được báo cáo lên Thủ tướng (Ảnh: Tấn Lộc)

Ông Thế cũng cho hay việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này được thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh và không có một văn bản nào phản đối nghị quyết này. “Về nguyên tắc, nghị quyết HĐND tỉnh không bị điều chỉnh bởi một văn bản nào đó của Chính phủ thì đây là cơ sở để thực hiện” (dự án xóa 377 ha rừng để nuôi bò – PV) – ông Thế nói.

Bày tỏ quan điểm sự vụ này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định: “Việc thực hiện dự án đều phải thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện phải đi đôi với việc phát triển, bảo vệ rừng”.

Trước đó, Bộ TN&MT đã có quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này (do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký). Trong quyết định này nêu rõ các điều kiện kèm theo trước khi thực hiện dự án: “Chỉ được triển khai thực hiện dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật”.

Có thể xóa sổ đến 418 ha rừng tự nhiên?

Theo ông Huỳnh Xuân Quang, hiện nay Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên đã được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng 463 ha đất tại huyện Sông Hinh, trong đó có 377 ha rừng đã chuyển đổi trên để thực hiện giai đoạn 1 của dự án.

Tuy nhiên, diện tích rừng sẽ bị xóa sổ chưa dừng lại ở đó. Theo đăng ký của chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, dự án này được sử dụng đến 4.635 ha đất, trong đó có 628 ha rừng. Trong tổng diện tích rừng để thực hiện có đến 418 ha rừng tự nhiên.

“Khi đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT thấy diện tích rừng bị tác động quá lớn nên yêu cầu điều chỉnh theo từng giai đoạn. Do đó, giai đoạn 1 của dự án còn 377 ha rừng, trong đó có 273 ha rừng tự nhiên” – ông Quang nói.

Phá hơn 270 ha rừng, chỉ thu về 4,2 tỉ?

Ông Quang cũng cho hay theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 2-2017, Sở NN&PTNT cho tiến hành khai thác tận dụng trên rừng chuyển mục đích sử dụng. Việc khai thác được giao cho chủ rừng cũ là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh thực hiện và Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm, đơn vị trúng thầu khai thác.

Để sớm giao đất cho chủ đầu tư, hiện nay đơn vị trúng thầu đang khẩn trương khai thác 195 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 310, tiếp đó sẽ khai thác 76 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 311. “Hình thức khai thác là khai thác trắng theo lô” – ông Quang nói. Như vậy, 273 ha rừng tự nhiên sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.

Ông Quang cũng xác nhận khu rừng này chưa bao giờ bị khai thác trắng như ông Thế nói mà chủ yếu dân khai thác trái phép.

Theo ông Quang, với 195 ha rừng tự nhiên đang khai thác, trữ lượng gỗ bình quân là 81 m3/ha. Trong diện tích này có 113 m3 gỗ có đường kính 25-40 cm, 17 m3 gỗ có đường kính lớn hơn 40 cm, còn lại là… củi! Toàn bộ số gỗ và củi này có doanh thu 6,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ hàng loạt chi phí, doanh nghiệp trúng thầu khai thác chỉ nộp cho ngân sách 2,2 tỉ đồng. Tương tự, số gỗ và củi tận thu trong 76 ha rừng tự nhiên chuẩn bị khai thác có doanh thu 3,4 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp trúng thầu khai thác nộp lại cho Nhà nước hơn 2 tỉ đồng. Như vậy, sau khi cho khai thác trắng 272 ha rừng tự nhiên, tỉnh Phú Yên chỉ thu được 4,2 tỉ đồng!

Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, để tìm hiểu vì sao nguồn thu bán gỗ thấp như vậy nhưng ông Minh từ chối trả lời. Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói tỉnh giao cho cơ quan chức năng xử lý gỗ tận dụng theo quy định.

 

Tấm bảng treo rừng phòng hộ bị che lại 

Ở cửa khu rừng mà tỉnh Phú Yên đang phát trắng để nuôi bò vốn có tấm biển ghi rõ “rừng phòng hộ”, cấm khai thác gỗ, lâm sản khác cũng như các hoạt động xâm hại đến rừng.


Tấm biển ghi “rừng phòng hộ” trước đây giờ đã bị tháo gỡ  (Ảnh: Tấn Lộc)

Tuy nhiên, sau khi báo chí đến ghi nhận cảnh công khai tàn sát rừng, tấm biển này đột ngột bị dỡ bỏ một cách khó hiểu. Không chỉ thế, các tấm bảng xây bằng bê tông xi măng có nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng đều bị dùng lá cây mới chặt phủ kín, che khuất.

Giải thích sự việc này, ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, nói: “Chắc đó là tấm bảng cũ. Mình treo bảng ghi rừng phòng hộ như vậy là chiêu để hù dọa người ta không phá rừng”.