ThienNhien.Net – Trước tình trạng “cát tặc” diễn ra rầm rộ, công khai trên các dòng sông, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về giải pháp để thanh toán triệt để vấn nạn “cát tặc” trong thời gian tới.
Xin ông cho biết, nguyên nhân dẫn tới thực trạng “cát tặc” phổ biến hiện nay trên các con sông?
“Cát tặc” là hoạt động khai thác cát không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng khai thác không đúng phép. Vì lợi nhuận từ bán cát quá lớn nên các cá nhân, đơn vị bất chấp pháp luật để khai thác cát trái phép, kể cả là việc thách thức lực lượng chức năng và uy hiếp người dân khi phản đối. Khai thác cát lòng sông rất đơn giản, chỉ cần có thuyền được trang bị máy hút, máy múc, gầu cuốc là lấy được cát từ lòng sông để bán thu lời. Hoạt động diễn ra bất kỳ lúc nào, đặc biệt là ban đêm, di chuyển mọi vị trí nên lực lượng chức năng khó bề kiểm tra và xử lý.
Để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép là do vai trò quản lý của chính quyền địa phương các cấp còn lỏng lẻo. Các tỉnh giáp ranh chung một dòng sông chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Địa phương bao che, còn chế tài xử lý người đứng đầu vi phạm thì nhẹ, chưa kiên quyết. Cấp xã còn buông lỏng quản lý, tạo điều kiện bến bãi cho các tàu khai thác trái phép tập kết cát… Bởi lẽ, về phân cấp trong quản lý, theo quy định tại Khoản 2, Điều 82 của Luật Khoáng sản, từ việc lập quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, thanh tra, kiểm tra đến xử lý vi phạm trong khai thác vật liệu xây dựng thông thường, bao gồm cát sỏi thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Vừa qua, nhiều dự án đã đội lốt duy tu, khơi thông luồng lạch để khai thác cát trái phép thu lợi, do Bộ Giao thông vận tải cấp phép chứ không phải UBND cấp tỉnh. Đây có phải khe hở trong quản lý khai thác cát sỏi hiện nay không, thưa ông?
Công tác duy tu luồng, kể cả nạo vét cửa sông, cửa biển là công việc chuyên môn cần làm, do Bộ Giao thông vận tải cấp phép. Quá trình duy tu nếu gặp cát, người ta được phép thu hồi, quan trọng là thu hồi như thế nào, mục tiêu ra sao, đã là duy tu thì trước hết đảm bảo giao thông đường thủy.
Thực tế việc duy tu, nạo vét luồng lạch lòng sông không đơn giản chỉ là vấn đề giữa Bộ Giao thông vận tải (đơn vị quản lý việc duy tu, nạo vét lòng sông, luồng lạch) và UBND cấp tỉnh (đơn vị có chức năng quản lý khai thác cát sỏi) mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường (liên quan đến quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, hoạt động khoáng sản), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (liên quan đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi), Bộ Công an quản lý đường thủy.
Theo kế hoạch năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra các hoạt động khai thác cát sỏi ở 6 tỉnh gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam, bao gồm các hoạt động khai thác cát được cấp phép cũng như các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng sông có tận thu cát. Với các dự án nạo vét có tận thu cát, sẽ phối hợp với ngành giao thông, chính quyền địa phương và lực lượng công an môi trường, đường thủy để phối hợp thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Theo ông, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần thực hiện giải pháp gì để chấn chỉnh nạn khai thác cát sỏi trái phép hiện nay?
Để giải quyết các mối quan hệ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, sẽ ban hành một thông tư riêng về quản lý cát sỏi lòng sông. Thông tư này sẽ làm rõ mối liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát sỏi. Qua đó làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý loại khoáng sản này.
Thông tư cũng sẽ làm rõ mối liên quan của các địa phương giáp ranh trên cùng một dòng sông trong vấn đề quy hoạch, cấp phép, thăm dò khai thác đến thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi. Hiện nay có tình trạng địa phương này cấp phép, địa phương kia không cấp phép, nhưng địa phương không cấp phép vẫn có thể bị ảnh hưởng vì đặc thù khai thác cát hoạt động nhiều vào ban đêm, có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác theo dòng chảy của sông.
Thông tư đang trong quá trình xây dựng đề cương. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư. Dự kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành trong năm 2017.