ThienNhien.Net – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho hay không chọn được vị trí khác để làm dự án nuôi bò nên buộc phải xóa 377 ha rừng ở hai tiểu khu 310, 311.
“Nuôi bò chất lượng cao không phải chỗ nào cũng nuôi được”. Đó là một trong những lý do mà tỉnh Phú Yên cho xóa 377 ha rừng (trong đó có 273 ha rừng tự nhiên) để giao đất cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Sông Hinh. Lý do này được ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lý giải trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 28-3.
Không đóng cửa rừng vì không thuộc Tây Nguyên (?)
Cách đây chừng hơn một năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Thế nhưng tỉnh Phú Yên vẫn chuyển 377 ha rừng, trong đó có 273 ha rừng tự nhiên sang mục đích không phải lâm nghiệp rồi phát trắng để thực hiện dự án nuôi bò. Liệu tỉnh Phú Yên có chống lệnh Thủ tướng?
+ Ông Trần Hữu Thế: Có lẽ chúng ta nhầm ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng nói là không được đổi đất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Tỉnh Phú Yên không thuộc khu vực Tây Nguyên.
Mặt khác, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này chúng tôi quyết định bởi nghị quyết của HĐND tỉnh và không có một văn bản nào phản đối nghị quyết này.
Về nguyên tắc, nghị quyết HĐND tỉnh không bị điều chỉnh bởi một văn bản nào đó của Chính phủ thì đây là cơ sở để thực hiện (dự án xóa 377 ha rừng để nuôi bò – PV).
Thưa ông, theo quyết định của trung ương, huyện Sông Hinh nằm trong vùng Tây Nguyên!
+ Tôi đang nói ở đây là chúng ta đang đổi giữa một mảnh đất rừng trên 80% diện tích là cỏ tranh để đổi lấy những đồng cỏ xen lẫn rừng thì việc chúng tôi nói là xứng đáng. Mặt khác, hai tiểu khu 310, 311 vốn đã khai thác trắng để làm lòng hồ thủy điện Sông Hinh và nó được tái sinh.
. Trong quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng của UBND tỉnh Phú Yên đã ghi rõ đó là 273 ha rừng tự nhiên và 104 ha rừng trồng. Vậy xin hỏi rõ là trước khi chuyển đổi, tỉnh Phú Yên có báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng không?
+ Như tôi đã nói, năm 2016 HĐND tỉnh có hai nghị quyết về chuyển đổi đất rừng sang đất rừng xen lẫn với trồng cỏ nuôi bò. Mặt khác, cần xem xét loại rừng nào thì báo cáo. Thực tế hai tiểu khu rừng này trước đây nằm trong dự án của lòng hồ thủy điện Sông Hinh và đã được khai thác trắng. Đây chỉ là rừng tái sinh. Xin khẳng định nó hoàn toàn không phải là rừng phòng hộ đầu nguồn.
Ông có thể giải thích vì sao trước đây xung quanh khu vực hai tiểu khu rừng này có dựng các bảng ghi rõ là rừng phòng hộ, được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức xâm hại. Thế nhưng sau khi tỉnh cho phát trắng rừng thì các tấm bảng này bị dỡ bỏ, các bảng tuyên truyền bảo vệ rừng cũng bị dùng cây cối che lại một cách khó hiểu? Mặt khác, một số nguyên cán bộ kiểm lâm đều khẳng định đây là rừng đầu nguồn có chức năng phòng hộ.
+ Việc này phải hỏi ngược lại là căn cứ vào đâu để nói nó là rừng phòng hộ. Vì chỉ căn cứ vào một tấm bảng đóng lên thì ai cũng có thể đóng được (?). Cho nên chúng ta không thể dùng một tấm bảng để nói nó là rừng phòng hộ. Nó phải được cơ quan chức năng phê duyệt, nằm trong tiểu khu nào, diện tích nào, tọa độ bao nhiêu và nó thuộc loại rừng nào.
“Đánh đổi là phù hợp”
Tỉnh Phú Yên có diện tích sản xuất nông nghiệp còn rất lớn. Vì sao nhất quyết phải chọn hai tiểu khu rừng này để thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò mà phải phá diện tích rừng quá lớn?
+ Nuôi bò chất lượng cao không phải chỗ nào cũng nuôi được. Cũng như trồng cây không phải chỗ nào cũng trồng được. Nó phụ thuộc vào thực địa, khí hậu, thổ nhưỡng vùng đó. Để thực hiện một dự án lớn có tính diện rộng, trước hết phải có vùng lõi. Từ đó mới nhân rộng, người dân thấy rồi mới làm theo. Làm sao để người dân tin dự án sẽ thành công khi họ chưa thấy? Phải có một dự án trước để người dân cùng tham gia. Dự án nuôi bò không chỉ là ở cơ sở nuôi bò. Bởi vì đi theo bò là những ngành công nghiệp về thịt, sữa, da, giày…
Phải chăng đây là sự đánh đổi môi trường để lấy dự án nuôi bò?
+ Nhìn tổng quan, hơn 70% diện tích tự nhiên của Phú Yên là đất rừng, đồi. Nếu muốn lựa chọn vị trí khác thì không có. Vấn đề ở chỗ phải làm nó ở đâu, ít ảnh hưởng đến đời sống dân cư nhất, ít tác động đến môi trường nhất.
Với dự án này, chắc chắn chúng tôi sẽ kiểm soát nó. Việc đổi một rừng thưa với cỏ tranh, cây bụi để lấy một băng rừng cộng với đồng cỏ thì việc đánh đổi là phù hợp.
Phá trước, trồng sau
Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Bộ TN&MT nêu rõ: Chỉ được triển khai thực hiện dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay vẫn chưa có phương án trồng rừng thay thế, vì sao tỉnh vẫn cho khai thác phát trắng rừng?
+ Vì đây là dự án lớn, cần khai thác diện tích rừng lớn. Trước khi giao cho nhà đầu tư, UBND tỉnh cho khai thác tận thu củi, gỗ trên diện tích rừng đó. Hiện nay, việc trồng rừng chưa tới mùa. Do diện tích rừng còn lại trên địa bàn tỉnh để trồng rừng thay thế manh mún, nhỏ nên hiện nay các đơn vị đang tìm địa điểm. Chắc phải trong tháng 4-2017 mới hoàn thành. Do đó để vừa đáp ứng việc trồng rừng thay thế, vừa đáp ứng tiến độ giao đất cho nhà đầu tư nên chúng tôi cho khai thác.
Trước khi khai thác, tỉnh có hỏi ý kiến Bộ TN&MT không vì khai thác trước như vậy là vi phạm báo cáo đánh giá tác động môi trường?
+ Phương án trồng rừng thay thế do cấp thẩm quyền phê duyệt là UBND tỉnh Phú Yên.
Nhưng quyết định của Bộ TN&MT đã ghi rõ như trên. Vậy tỉnh Phú Yên có làm trái với các quy định pháp luật không?
+ Đây là khu đất phải trồng rừng và trồng cỏ. Trồng rừng phải tiến hành vào mùa mưa. Phú Yên có nhiều diện tích phải trồng rừng thay thế nhưng đến nay chưa trồng được. Với dự án này, chúng tôi yêu cầu đã chặt rừng là phải trồng rừng thay thế. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng mọi cách để tìm ra đất và yêu cầu đơn vị đó phải trồng rừng để thay thế lại mảng xanh mà chúng tôi phải đánh đổi.
Lo ngại khai thác vàng
Thông tin từ người dân cho hay khu vực rừng bị phá này từng xảy ra việc khai thác vàng. Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM: “Phải chăng dự án nuôi bò là bước dọn đường, đặt mọi chuyện đã rồi để tiến đến việc lập dự án thăm dò, khai thác vàng?”, ông Trần Hữu Thế nói: “Chúng tôi cấp phép cho dự án nuôi bò chứ không cấp phép khai thác khoáng sản. Đương nhiên, các đơn vị phải thực hiện theo đúng dự án đó”. Khi PV hỏi: “Tỉnh có đảm bảo chủ đầu tư sẽ không khai thác vàng trái phép?”, ông Thế khẳng định: “Nếu có hành động đó xảy ra thì chúng tôi sẽ thực thi theo pháp luật”. |