ThienNhien.Net – Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính 800 nghìn tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, khoảng 6,13 triệu hecta diện tích đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
Đây là số liệu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố tại tọa đàm báo chí “Thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam” tổ chức chiều 28.3.
Theo Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là khoảng 15 triệu 350 nghìn tấn, tỉ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng.
Những loại bom mìn, vật nổ còn sót lại có thể phát nổ, gây nguy hiểm đến người dân trong quá trình lao động sản xuất và sinh sống. Đến nay, bom mìn tồn đọng phát nổ làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương. Tại một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… – là những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do bom mìn, vật nổ sót lại trong chiến tranh, đã có 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước xác định khắc phục hậu quả quả bom mìn là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Phó Chánh văn phòng Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo đã huy động được các nguồn lực trong nước và quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn, tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng. Việc thành lập tổ chức xã hội có thể tập hợp và huy động được nguồn lực trong nước và quốc tế, năm 2014, Bộ Nội vụ đã ra quyết định cho phép thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Bằng nguồn tài trợ quốc tế, Trung tâm Hành động khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNMAC) năm 2016 đã thực hiện thành công dự án rà phá bom mình ở một số địa phương tỉnh Quảng Trị và tỉnh Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ trong chiến tranh còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Xuân Cát – Phó Chính ủy Binh chủng Công binh cho biết, do nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bom mìn còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cấp, ngành vào cuộc khắc phục hậu quả bom mìn của chưa đồng bộ nên công tác khắc phục hậu quả bom mìn gặp nhiều bất cập. Hơn nữa, ở nước ta việc rà bom mìn còn nhiều khó khăn có những biến đổi khí hậu nên việc định vị bom mìn rất phức tạp đặc biệt với việc định vị bom mìn ở môi trường nước.
Kinh phí cho khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế, chưa có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác rà bom mìn, cho nên cán bộ nhân viên gặp nhiều tai nạn trong quá trình làm việc. Ông Cát nhận định cơ sở y tế của các địa phương còn lạc hậu, đặc biệt đối với vùng sâu vùng xa nên việc thực hiện chính sách xã hội, hỗ trợ toàn diện về y tế, phục hồi chức năng, sinh kế cho người dân còn hạn chế.