Thủy điện Mê Kông: Nỗi lo của những người dân bị đẩy ra ngoài lề

ThienNhien.Net – Khi những nỗi lo về tác động của dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông còn chưa nguôi ngoai, thông báo của Chính phủ Lào về việc xin ý kiến tham vấn để xây dựng thủy điện Pak Beng lại một lần nữa khiến các cộng đồng ven sông Mê Kông thêm lo lắng, đặc biệt là các cộng đồng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ con đập này.

Từ Xayaburi đến Don Sahong

Những con cá heo nước ngọt quý hiếm Irrawaddy trên sông Mê Kông năm nay đã không về khúc sông làng Preah Rumkel của Campuchia nữa, theo thông tin từ Thời báo Khmer. Đây được cho là tác động ban đầu của dự án thủy điện Don Sahong được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, chỉ cách biên giới Campuchia – Lào chưa đầy 2km.

Làng Preah Rumkel của Campuchia nổi tiếng với các tour du lịch ngắm cá heo và trải nghiệm cuộc sống thôn quê. Chặn đường di cư duy nhất quanh năm của cá để xây đập, dự án Don Sahong cũng đồng thời tác động đến hệ sinh thái gần Anlong Cheher Teal, nơi trú ẩn của những con cá heo nước ngọt cuối cùng trên khúc sông này. Hệ lụy kéo theo là sự mất mát về sinh kế của bao người dân vốn sống dựa vào thu nhập từ làm du lịch và đánh bắt cá trên sông.

Trước khi Don Sahong được xây dựng các nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về tác động đối hệ sinh thái và nguồn cá. Đặc biệt, Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho rằng thủy điện Don Shahong là một “quả bom hẹn giờ” đối với hệ sinh thái, đặt dấu chấm hết cho số phận cho 5 cá thể cá heo sống gần với khu vực xây đập và đe dọa quần thể cá heo Mê Kông còn lại phía hạ nguồn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Công ty xây dựng đập Mega First Corporation Berhad cho biết họ đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng dự án và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy các tác động tiềm tàng đối với hệ sinh thái địa phương.

Dự án Xayaburi đã hoàn thành 70% (Ảnh: PanNature)

Trước Don Sahong, đập thủy điện đầu tiên chặn đứng dòng chảy tự do của Mê Kông trên hạ nguồn dòng chính là Xayaburi nay đã hoàn thành hơn 70%, bất chấp những quan ngại của người dân về ảnh hưởng sinh kế cũng các cảnh báo của giới khoa học về tác động tới nguồn phù sa, nguồn cá và lưu lượng dòng chảy…

Câu chuyện không có gì mới. Bởi lẽ, nỗi lo của người dân với ảnh hưởng từ con đập Don Sahong cũng cũ như nỗi lo với đập Xayaburi và cũng không có gì khác với đập Pak Beng sắp được xây dựng. Nó cũng cũ như lời khẳng định chắc nịch của bất cứ nhà phát triển dự án nào về một tương lai bền vững của dự án. Cái mới có chăng chỉ là các dự án mới vẫn tiếp tục mọc lên, bất chấp những nỗi lo lắng của người dân và cảnh báo của các nhà khoa học.

… và nay là Pak Beng

Huileak là một trong hai ngôi làng của Thái Lan được cho là sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án Pak Beng vì nằm sát biên giới Thái – Lào. Có mặt tại làng Huileak, huyện Viangkane, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan vào một ngày cuối tháng 3, khi quy trình tham vấn cho thủy điện Pak Beng đang được triển khai, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự lo lắng của người dân về tác động của dự án này.

Không chờ đến khi Pak Beng được xây dựng, người dân nơi đây đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt với con sông mà họ đã gắn bó bao đời qua. Ông Thongsouk Inthavong, trưởng làng Huileak cho biết, dân làng trước kia sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và canh tác ven sông nhưng nay thì đã phải tản mát đi làm nhiều nghề khác, chủ yếu là nghề xây dựng. Nguồn cá trên khúc sông Mê Kông mà làng khai thác đã giảm chừng 60-70% tới mức cả làng nay chỉ còn 3 người làm nghề đánh cá. Trong khi đó, việc canh tác ven sông cũng trở nên khó khăn vì mực nước lên xuống thất thường khiến bờ sông bị sạt lở và hoa màu ngập úng.

 

Khu vực xây dựng dự án thủy điện Pak Beng (Ảnh: PanNature)

Dân làng tin rằng những thay đổi này là do việc xây đập phía trên thượng nguồn Trung Quốc. Tuy nhiên, bản thân họ trước nay không nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến việc sử dụng nước và những thay đổi liên quan do xả lũ hay lấy nước trên thượng nguồn. Vốn đã bất an với những thay đổi thất thường của dòng sông, họ càng lo lắng khi biết dự án đập Pak Beng đang được tham vấn ý kiến để xây dựng.

Đặc biệt, các thông tin thu thập được khiến dân làng hết sức quan ngại. Trưởng làng Thongsouk Inthavong cho biết, theo thông tin của công ty xây dựng đập thì khoảng cách từ vị trí đập đến làng là 97km nhưng trên thực tế người dân tự đo đạc thì chỉ là 80km. Hơn nữa, làng chỉ cao 315m so với mực nước biển trong khi mực nước hồ chứa sẽ là 335m trong mùa khô và 340m trong mùa mưa. “Như vậy làm sao mà làng chúng tôi không bị ảnh hưởng được? Trong khi đó, dự án này không có đánh giá tác động xuyên biên giới và họ cũng chưa hề cử người về khảo sát khu vực của làng. Chúng tôi cũng chưa được nhận được thông tin chính thức hay hỏi ý kiến về dự án này”, vị trưởng làng chia sẻ.

Hoạt động xây dựng tại khu vực dự án Pak Beng đang diễn ra dù quá trình tham vấn ý kiến về dự án chưa kết thúc (Ảnh: PanNature)

Nỗi lo của người dân bị đẩy ra bên lề quá trình tham vấn

Trong khuôn khổ của Hiệp định Mê Kông năm 1995, Quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) đối với dự án Pak Beng đã được khởi động từ ngày 20/12/2016. Theo đó, hoạt động thông tin và tham vấn ý kiến về dự án sẽ được thực hiện ở 4 quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt nam trong sáu tháng, kết thúc vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, vì PNPCA không bắt buộc thực hiện tham vấn ở cấp cộng đồng, ý kiến của người dân chịu tác động từ các dự án đập không phải lúc nào cũng có cơ hội được thể hiện và ghi nhận trong báo cáo tham vấn quốc gia.

Hơn nữa, có một thực tế là đến nay hai đập Xayaburi và Don Sahong đang được xây dựng, bất chấp sự phản đối của các cộng đồng ven sông Thái Lan, Campuchia, Việt Nam qua nhiều diễn đàn, hội thảo, biểu tình và thậm chí là các vụ kiện (các cộng đồng ven sông Thái Lan kiện công ty Điện lực Thái Lan vì mua điện từ dự án thủy điện Xayaburi). Điều này đang khiến người dân mất dần niềm tin vào tính thực chất của quá trình tham vấn. Cũng vì lý do này, các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực và quốc tế đã nhiều lần kiến nghị Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đánh giá lại quy trình PNPCA trước khi triển khai với các dự án mới. Tuy nhiên, đến nay MRC vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ thay đổi hoặc cải thiện quy trình này.

Một thực tế đáng quan ngại hơn là, trong những ngày quy trình tham vấn cho dự án Pak Beng đang diễn ra thì ngay tại khu vực xây dựng dự án, các hoạt động xây dựng chuẩn bị cho dự án vẫn đang được triển khai, theo quan sát của chúng tôi. Trong khi đó, thông tin từ Tổ chức sông ngòi Quốc tế cho biết, hoạt động xây dựng đường và cầu bắc qua sông Mê Kông nối Pak Beng với Mung Gheurn thuộc tỉnh Xayaburi thực ra đã được rục rịch từ cuối năm 2015.

Cũng như mọi dự án tác động tới dòng chính sông Mê Công, nằm ở cuối nguồn dòng sông, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng tác động đối với lưu lượng nước, thì đập Pak Beng có thể làm nước chậm về hạ lưu đến 1,5 ngày trong những năm khô hạn, theo Th.S. Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Trưởng nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mê Kông. Tuy nhiên, tính đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có thông tin chính thức gì về dự án này từ các cơ quan hữu quan để phục vụ quá trình tham vấn quốc gia. Từ đó có thể thấy phần nào là việc người dân ĐBSCL có thể hiểu được tác động của dự án cũng như đóng góp tiếng nói của mình vào quá trình tham vấn đối với dự án này hẳn còn rất xa vời.

Người dân Thái làm lễ cầu nguyện cho dòng sông Mê Kông và gửi thông điệp và những lời cầu nguyện xuôi theo chiếc bè (Ảnh: PanNature)

Từ khoảng 20 năm trước người dân làng Huileak thiết lập một khu vực “bảo tồn nguồn cá giống” bằng cách quây lưới một khúc sông dài 300-400m và khuyến cáo người dân không được đánh bắt ở khu vực này. Nhờ đó, làng vẫn bảo tồn được nguồn cá cho nhu cầu thực phẩm của người dân. Hàng năm, cũng như bao ngôi làng Thái khác ven sông Mê Kông, dân làng vẫn tổ chức lễ cầu nguyện cho dòng sông Mẹ – cách người dân gọi dòng sông Mê Kông . Đó có lẽ là những hoạt động hiếm hoi mà người dẫn vẫn duy trì để hy vọng cứu lấy dòng sông mà họ đã gắn bó bao đời trong khi vô vọng chờ đợi rằng tiếng nói của họ sẽ được các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà phát triển dự án lắng nghe và đáp ứng.

Bạch Dương