ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán các phương án điều chỉnh giá điện. Còn EVN cho rằng giá điện phụ thuộc nhiều vào giá than của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.
Giá điện hồi hộp chờ giá than
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan tới giá điện, các phương án xây dựng giá bán điện sẽ theo các kịch bản, giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường…
Trong một chỉ đạo khác gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 – 2020 theo hướng bình quân tối thiểu là 6 tháng/lần.
Như vậy, kể từ lần tăng gần nhất vào tháng 3/2015 với mức tăng 7,5%, giá điện có thể sắp trải qua đợt điều chỉnh mới.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, phương án điều chỉnh giá điện sẽ phụ thuộc vào giá bán than cho điện. Hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hiệp thương giá bán than của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản cho Tập đoàn Điện lực. Hạn cuối báo cáo kết quả hiệp thương là vào 30/3 này.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết: Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện (đặc biệt là giá than) đã tăng liên tục từ năm 2015, nhưng chưa được cân đối trong giá điện. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí sản xuất điện đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV.VietNamnet, TS Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng cho rằng: Nhu cầu tiêu dùng điện và giá nhiên liệu sẽ tác động đến giá điện trong năm nay. Tuy nhiên, cần biết chính xác những thông số đầu vào trong tính toán của EVN để biết mức độ tác động của các yếu tố đến chi phí sản xuất điện.
Theo ông Hưng, giá điện tăng là do nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm của nền kinh tế tăng, hiện mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện tăng khoảng 11-12%/năm, càng ngày thì các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí được đưa vào vận hành càng nhiều, trong khi các nhà máy thủy điện – nguồn điện giá rẻ đã phát triển đến mức giới hạn rồi.
Vì thế việc tăng giá điện trong thời gian tới là việc khó tránh khỏi. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đang nâng dần tỷ lệ điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện để đạt được những mục tiêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.
Ví dụ, giá mua điện của dự án điện gió là 7,8 cent/kwh theo quy đinh hiện hành, giá này gần bằng giá bán điện của EVN hiện nay khoảng 8 cent. Vì vậy khi nhu cầu sử dụng điện tăng, mức tăng chi phí phải tăng theo vì ngành điện phải huy động những nguồn điện mới thì giá điện phải tăng theo.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là giá điện tăng bao nhiêu thì hợp lý với tốc độ tăng của giá nhiên liệu, tốc độ tăng chi phí đầu tư phát triển nguồn điện”, ông Hưng nói.
Giá điện tăng bao nhiêu?
Giá than ảnh hưởng nhiều đến giá điện bởi nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, cơ cấu sản lượng điện mua từ các nhà máy điện quý 4/2016 bao gồm thủy điện 25,94%, nhiệt điện than 40,04%, nhiệt điện khí 30,7%…
Một chuyên gia trong ngành điện cho hay: Với các nhà máy nhiệt điện than thì giá nhiên liệu than đầu vào chiếm từ 30-40% chi phí sản xuất điện, tùy theo công nghệ sản xuất của từng nhà máy. Còn với nhiệt điện khí thì chi phí nhiên liệu đầu vào cao hơn, chiếm từ 60-70% chi phí sản xuất điện. Sắp tới than nhập cấp cho những nhà máy nhiệt điện phía Nam là chủ yếu vì sản lượng khai thác của TKV không đáp ứng được nhu cầu than trong nước.
TS Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng: Than, khí tự nhiên là những nhiên liệu đầu vào chính của các nhà máy nhiệt điện trong nước. Theo tính toán, nếu giá than tăng 10% thì chi phí phát điện tăng khoảng 3-4%. Còn với nhiệt điện khí thì thấp hơn, nếu giá khí tăng 10% thì chi phí này tăng khoảng 2%.
Theo vị chuyên gia này, tăng giá điện bao nhiêu % cần nhìn vào bảng cân đối chi tiết, thông số đầu vào của EVN trong kịch bản giá điện thì mới tính toán được. Nhưng theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh cho EVN trong điều kiện hiện tại thì giá điện bán lẻ phải tăng từ 8-10%/năm mới đảm bảo cho các đầu tư dài hạn của EVN.
Giá điện tăng là việc khó tránh khi năm 2016, giá điện đã không điều chỉnh. Nhưng giá điện là yếu tố đầu vào của mọi ngành kinh tế, cho nên theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá điện cần tính toán thận trọng, nhất là khi lạm phát đang có nhiều dấu hiệu trỗi dậy, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.