ThienNhien.Net – Bến Tre có khoảng 7.833 ha rừng phòng hộ, tập trung ở ba huyện ven biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Ðại; trong đó, có 2.584 ha rừng đặc dụng phòng hộ. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, việc quản lý và khai thác rừng trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo, tùy tiện, khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật.
Thực hiện kiến nghị của Ðoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy và những tài liệu, chứng cứ trong vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án. Theo đó, tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với năm đối tượng, gồm: Trần Văn Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện là chuyên viên Văn phòng Ðiều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Võ Văn Ngàn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, đã về hưu; Nguyễn Văn Ðoàn, Chi cục trưởng Kiểm lâm Bến Tre; Tiết Kim Chiêu, nguyên Phó Trưởng phòng Khoa học – Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre), hiện là Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bến Tre và Nguyễn Ðức Dục, nguyên chuyên viên Phòng Khoa học – Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre), hiện là Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bến Tre để điều tra, xử lý hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngày 3-3-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam bị can đối với Trần Văn Hùng và Võ Văn Ngàn; áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ba bị can còn lại là Nguyễn Văn Ðoàn, Tiết Kim Chiêu, Nguyễn Ðức Dục.
Tháng 4-2012, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre đã có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre xin được khai thác tận thu khoảng 2.000 m3 gỗ đước ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn xã Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre) với lý do “rừng bị sâu bệnh tiến công”. Vào thời điểm đó, ông Võ Văn Ngàn là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre.
Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre đã chỉ định đơn vị khai thác là doanh nghiệp tư nhân gỗ Tuấn An, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre) đốn hạ khoảng 2.000m3 gỗ, trị giá 1,5 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước. Lúc đó, ông Trần Văn Hùng giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre ký phê duyệt thiết kế khai thác tận thu và ban hành công văn cho phép Ban Quản lý rừng Bến Tre chỉ định doanh nghiệp gỗ Tuấn An đốn hạ rừng đước.
Trong quá trình khai thác có đơn tố cáo Ban quản lý rừng có dấu hiệu tiêu cực, không minh bạch khi chỉ định đơn vị khai thác và các cơ quan chức năng vào cuộc. Vào thời điểm đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre khẳng định: Khu vực Ban Quản lý rừng Bến Tre chỉ định doanh nghiệp gỗ Tuấn An đốn hạ rừng đước “không thấy có dấu hiệu của sâu bệnh”.
Khi sự việc xảy ra và có đơn tố cáo thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp với Phòng PC46, Công an Bến Tre và các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành điều tra. Khi đó, Sở Tài chính Bến Tre xác định chủ trương bán tài sản của Nhà nước tại Ban Quản lý rừng Bến Tre không qua đấu giá là không đúng các quy định của pháp luật. Hội đồng Thẩm định giá và bán đấu giá tài sản tỉnh Bến Tre còn phát hiện Ban Quản lý rừng Bến Tre bán chỉ định cho doanh nghiệp tư nhân gỗ Tuấn An khai thác 25,2 ha rừng đước có tổng giá trị thiệt hại gần 2,1 tỷ đồng. Vụ việc sau đó dừng lại ở mức kiểm điểm, xử lý về mặt Ðảng và chính quyền với những cán bộ, viên chức và cá nhân liên quan. Ðến năm 2015, ngành nông nghiệp tiến hành khắc phục hậu quả bằng cách tổ chức trồng lại cây đước trên diện tích rừng bị đốn hạ và đến nay đang phát triển tốt.
Tháng 5-2016, khi Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát các vụ án, sai phạm nổi cộm tại Bến Tre, vụ việc một lần nữa được lật lại và công an đã khởi tố, bắt giam những người liên quan để điều tra. Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra.
“Sự việc này để lại bài học về việc kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu; về xác định trách nhiệm, kỷ cương và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ. Vì vậy, trong thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, chúng tôi chỉ đạo tập trung thực hiện nội dung này trong toàn Ðảng bộ”.
Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre |
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 40m3 đến dưới 80m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 25m3 đến dưới 50m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30m3 đến dưới 60m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 20m3 đến dưới 40m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 30m3 đến dưới 60m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 10m3 đến dưới 20m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;” (Trích Khoản 2, Ðiều 232 Bộ luật Hình sự 2015) |