ThienNhien.Net – Cơn lốc khai thác đá trắng, quặng thiếc đã khiến hàng ngàn hecta rừng, núi ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị đào xới nham nhở, sông suối đục ngầu do ô nhiễm
“Qùy Hợp lại vỡ đập chứa quặng thiếc rồi!” – tiếng anh bạn học nhiều năm gắn bó với vùng mỏ Quỳ Hợp vang lên trong điện thoại của tôi.
Xới tung núi, “bức tử” sông suối
Sáng sớm hôm sau, từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tôi theo Quốc lộ 48 lên vùng thủ phủ của đá trắng, quặng thiếc. Sau gần 3 giờ đi ô tô, thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) hiện ra với nhiều nhà cao tầng, “xế hộp” hạng sang. “Quỳ Hợp đang thay đổi từng ngày” – anh bạn đồng nghiệp đi cùng thốt lên.
Từ thị trấn, lần theo những đoàn xe chở đá trắng vào các xã Châu Quang, Châu Hồng, Đồng Hợp, Liên Hợp, Châu Lộc, Châu Tiến…, tới đâu tôi cũng gặp cảnh những dãy núi đồi bị vạt ngang, đào xới, đục khoét nham nhở để khai thác đá trắng.
Chị Vi Thị Hiền, ngụ xã Châu Quang, xót xa: “Trước đây, đất, rừng còn nhiều, đói có thể phát rẫy trồng cây lấy cái ăn. Từ ngày có phong trào khai thác đá trắng, đồi núi bị doanh nghiệp lấy hết, người dân không có đất, không có tiền, chỉ biết làm thuê sống qua ngày”. Cách đây ít năm, vào những thời điểm sôi động, ở Quỳ Hợp có tới gần trăm mỏ khai thác đá trắng được cấp phép. Tuy nhiên, hiện tại do khó khăn nên tới khoảng một nửa mỏ đá ngừng hoạt động, để lại vô số hố sâu, vỉa đá có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Nhiều năm nay, Quỳ Hợp còn được cả nước biết đến là thủ phủ của quặng thiếc. Vào những lúc thiếc giá cao thì có tới mấy chục điểm khai thác được cấp phép hoạt động. Điển hình, ở xã Châu Hồng có tới hàng chục mỏ khai thác thiếc như Phá Líu của Công ty CP Đức Chính; Pá Hạ, Phá Băng của Công ty CP Xây lắp Trung Tín; Lần Toong, Thung Pen, Pá Hạ của Công ty TNHH Chính Nghĩa… Ngoài các mỏ được cấp phép, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp còn xuất hiện nhiều điểm khai thác thiếc trái phép.
Việc hàng loạt mỏ thiếc hoạt động khiến nhiều khu vực đồi núi bị xới tung; các sông, suối như Dinh, Nâm Tôn, Cả, Nậm Huống… bị “bức tử” do nước thải độc hại.
Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, thừa nhận: “Hiện trên địa bàn có 15 mỏ đá, chủ doanh nghiệp khai thác nhưng không hoàn thổ; nhiều mỏ quặng thiếc không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm. Các đoàn chức năng của tỉnh đang tiến hành kiểm tra, xử lý, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng theo quy định”.
Để phục vụ các mỏ này, từ nhiều năm nay, Quỳ Hợp trở thành nơi hoạt động rầm rộ của xe quá tải, quá khổ. Đội xe tải hàng trăm chiếc ngày đêm hoạt động hết công suất đã cày nát nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã. “Xe chở đá trắng, quặng thiếc chạy cả ngày lẫn đêm khiến đường bị hư hỏng hết, việc đi lại rất khó khăn vì trời nắng thì bụi mù mịt, mưa biến thành mương” – chị Vi Thị Hà, ngụ xã Châu Hồng, bất bình.
Hiểm họa rình rập
8 giờ, tôi có mặt tại một mỏ đá ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Từ dưới nhìn lên, vách đá cao 50-60 m, những người thợ chỉ là chấm nhỏ li ti giữa khối đá lớn lởm chởm. Tận mắt chứng kiến cảnh khai thác của phu đá tại đây mới thấy hiểm nguy khi mưu sinh bằng nghề này.
“Suốt ngày treo mình trên vách đá cheo leo, chỉ một sơ suất nhỏ là bị đá lăn đè chết ngay. Nguy hiểm lắm nhưng không có công ăn việc làm nên anh em nhắm mắt làm liều thôi” – anh Dũng, một phu đá, phân trần.
Tình trạng sập mỏ, đá lăn đè chết người, bị thương năm nào cũng xảy ra. Hình ảnh những chuyến xe lao đi trong đêm mang theo thi thể những công nhân nghèo gặp nạn, thanh niên trai tráng bỗng chốc trở thành người tàn phế không hiếm. Mới đây nhất là vào ngày 16-10-2016, trong khi làm việc tại mỏ đá của Công ty Hải Hà (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp), 3 công nhân đã bị đá đè chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Trước đó, tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp cũng xảy ra vụ sập mỏ đá khiến 1 người chết, 7 người bị thương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp, cho biết thời gian qua, trên địa bàn xảy ra một số vụ tai nạn lao động ở các mỏ đá. Nguyên nhân là do một số chủ sử dụng lao động chưa thực hiện tốt công tác an toàn lao động. Để hạn chế tai nạn, năm nào huyện cũng tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền an toàn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài nguy hiểm rình rập tại các mỏ đá, hiểm họa môi trường do các mỏ quặng thiếc gây ra cũng là vấn đề báo động đối với người dân huyện Quỳ Hợp. Hiện tại, ở nhiều khu vực mỏ khai thác, khu tinh luyện thiếc, công tác xử lý chất thải, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường đang bị xem nhẹ, nhiều đập chứa hàng ngàn m3 chất thải trên núi chỉ được đắp sơ sài bằng đất.
Ngày 9-3, đập chứa bùn và chất thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (khu vực suối Bắc, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp) bất ngờ bị vỡ một đoạn dài khoảng 12 m khiến lượng lớn nước thải, bùn thải tràn ra đổ xuống dòng suối Nậm Huống. Hậu quả, cá nuôi của người dân các xã Châu Cường, Châu Quang, Châu Thành… thuộc huyện Quỳ Hợp chết hàng loạt. Ngoài ra, nước bẩn và bùn thải còn ảnh hưởng đến hàng trăm hecta lúa của người dân trên địa bàn. Hiện tại, mặc dù đã được khắc phục nhưng thân đập chứa hàng ngàn m3 chất thải này vẫn chỉ được gia cố bằng đất nên có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào.
“Chảy máu” tài nguyên
Đá trắng tại Nghệ An có trữ lượng khoảng gần 200 triệu tấn, chủ yếu nằm ở huyện Quỳ Hợp, được xếp vào dạng tài nguyên quý hiếm của Việt Nam. Bột siêu mịn từ đá trắng dùng làm phụ gia trong nhiều công nghệ chế biến của ngành công nghiệp, nông nghiệp, y học (sản xuất thủy tinh, cao su, giấy, nhựa, sơn cao cấp, vật liệu chống nổ bụi than trong hầm lò; xử lý môi trường; tạo chất canxi trong thức ăn cho thủy hải sản, gia súc; điều chế thuốc chữa bệnh đau dạ dày…). Đá trắng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Tình trạng khai thác đá trắng ở Nghệ An diễn ra ồ ạt, chủ yếu là xuất khẩu thô, gây ô nhiễm môi trường và “chảy máu” tài nguyên quốc gia. |