ThienNhien.Net – Để hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện đẩy nhanh cấp phép cho các đơn vị có năng lực khai thác.
Hàm Thuận Bắc là địa phương có trữ lượng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đứng ở tốp đầu của tỉnh Bình Thuận. Do nằm kề thành phố Phan Thiết, nên hoạt động khai thác vật liệu xây dựng ở huyện Hàm Thuận Bắc luôn sôi động.
Riêng khu vực 2 xã Hàm Chính và Hàm Liêm, từ tháng 7/2016 trở về trước, là điểm nóng cung ứng nguồn cát lậu cho thị trường. Sau khi VOV có bài điều tra, phản ánh thực trạng này, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã lập 2 tổ công tác liên ngành đóng chốt túc trực 24/24 giờ tại đây.
Sau gần 8 tháng hoạt động, ông Lê Thanh Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Tổ trưởng tổ kiểm tra xử lý khoáng sản xã Hàm Liêm cho biết: “Thời gian trước đây, tình hình khai thác cát lậu hết sức là bức xúc. Huyện đã đồng ý cho lập chốt từ ngày 20/7, đến nay tình hình khai thác vận chuyển tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát trên địa bàn cơ bản ổn định, không có xảy ra trường hợp khai thác vận chuyển trái phép như trước đây nữa”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng huyện đã chi gần 1 tỷ đồng để duy trì hoạt động của 2 chốt kiểm soát tại hai điểm nóng Hàm Chính và Hàm Liêm. Nhờ đó, tình hình khai thác cát lậu cơ bản được kiểm soát cơ bản.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên địa bàn Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết rất lớn, nên việc giải quyết nguồn cung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội rất cấp bách. Trong năm 2016, huyện Hàm Thuận Bắc đã rà soát và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho 2 doanh nghiệp khai thác và 19 trường hợp tận thu khoáng sản cát xây dựng.
Theo ông Thạch, trước nhu cầu của thị trường, nếu các mỏ khai thác chính thức chậm triển khai, tình trạng khai thác cát lậu sẽ tái diễn phức tạp. Do vậy, địa phương tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị có năng lực xin cấp phép khai thác.
“Ngoài hai đơn vị đã được cấp phép là Sơn Thắng và Quang Hiền, chúng tôi tiếp tục kiến nghị tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể để cho 19 trường hợp huyện đã đề nghị trước đây tận thu nguồn khoáng sản trong hộ gia đình có giấy phép để cung cấp trên thị trường một cách hợp pháp” – ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã củng cố Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, cũng như chỉ đạo các địa phương lập Tổ kiểm tra liên ngành cấp huyện để ngăn chặn từ cơ sở. Tỉnh Bình Thuận cũng nhận thấy việc đẩy nhanh cấp phép cho các đơn vị có khả năng khai thác khoáng sản là hết sức cần thiết.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 khu vực được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận trúng đấu giá. Trong đó, 2 khu vực đã phê duyệt trữ lượng, 2 khu vực đã cấp phép thăm dò, 5 khu vực đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, 6 khu vực đang lập hồ sơ cấp phép thăm dò.
Sở Tài nguyên – Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng cùng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát nhu cầu sử dụng khoáng sản trên địa bàn và đang đề xuất đưa thêm các khu vực mới vào Quy hoạch Khoáng sản giai đoạn 2016-2020 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào tháng 7 tới, làm cơ sở tổ chức đấu giá quyền khai khác theo kế hoạch được duyệt.
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: “Để đẩy nhanh vấn đề lập hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá có khả năng lập hồ sơ nhanh để đáp ứng giải quyết nhu cầu. Hiện các huyện, trừ đảo Phú Quý, đều có đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu thông thường, đây là nguồn nguyên liệu giải quyết các yêu cầu của địa phương trong thời gian tới”.
Theo Luật Khoáng sản hiện hành, các thủ tục cấp phép khai thác đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản quý hiếm đều như nhau với thủ tục phức tạp. Trong khi trên thực tế các loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường có giá trị thấp, phương pháp khai thác lộ thiên và thiết bị khai thác đơn giản.
Chính vì việc lập nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian nên các đơn vị có tâm lý e ngại lập thủ tục hồ sơ, lén lút khai thác vào ban đêm, ngày nghỉ, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Trước khó khăn này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sửa đổi quy định để đơn giản thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có tính khả thi, phù hợp với thực tế ở địa phương.