ThienNhien.Net – Trong thời gian gần đây, tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể đã liên tiếp xảy ra các vụ cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ trong khi lực lượng chức năng không hề hay biết cho tới khi có sự phản ánh của báo chí và người dân.
VQG Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là 1 trong 3 khu Ramsa của Việt Nam, Khu Di sản của ASEAN với hệ thực vật phong phú, trong đó có một số loài gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, kim giao… được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng rừng cấm bị lâm tặc tàn phá đang diễn ra phổ biến và đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều cây nghiến hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc với khối lượng hàng 100m3, đã gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương.
Sau khi có phản ánh của người dân và báo chí, ngày 22/3/2017, Tổ kiểm tra (Tổ công tác) tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ba Bể và Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn dưới sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn và Chi cục Kiểm lâm vùng I cùng đại diện Kiểm lâm VQG Ba Bể đã tiến hành lập biên bản làm việc có nội dung: Vào hồi 14 giờ ngày 16/3/2017, qua kiểm tra tại hiện trường khu vực bị khai thác trái phép thuộc khu vực Lùng Mấu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Tổ Công tác đã xác định có 01 gỗ nghiến (nhóm IIA) mới bị chặt hạ, lá vẫn còn tươi theo đúng như báo chí phản ánh, khối lượng bị thiệt hại là 4,09m3(khối lượng thiệt hại theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm VQG xác định ngày 26/12/2016) vị trí cây chặt hạ có tọa độ… Căn cứ kết quả kiểm tra thì báo chí phản ánh có một cây gỗ nghiến mới bị chặt hạ gần lòng hồ là đúng sự thật nhưng thời điểm chặt hạ không đúng ngày 5/3/2017.
Vào hồi 11 giờ ngày 17/3/2017 tại hiện trường khu vực thuộc thôn Khuổi Hao, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Lô ơ, K1, TK61 bản đồ giao khoán bảo vệ rừng), Tổ Công tác đã kiểm tra và phát hiện có 01 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) mới bị chặt hạ, lá còn tươi, thời điểm chặt hạ khoảng giữa tháng 2/2017 với khối lượng thiệt hại là 24,88m3. Cây gỗ nghiến này đã được Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể lập hồ sơ chuyển giao cho Công an huyện Ba Bể xử lý theo quy định của pháp luật.
9 giờ ngày 20/3/2017, tại hiện trường khu vực Lũng Duốc, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Tổ Công tác đã tiến hành kiểm tra theo hồ sơ do Hạt kiểm lâm VQG Ba Bể lập ngày 22/10/2016 có 01 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với khối lượng 61,026m3. Hiện đã tổ chức khám nghiệm hiện trường và ra quyết định khởi tố vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, lúc 9 giờ 30 phút ngày 21/3/2017, tại hiện trường khu vực Ao Tiên, thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, Tổ Công tác tiếp tục phát hiện có 3 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ trái phép với tổng khối lượng là 20,252m3 (thời điểm chặt hạ là vào ngày 20/3/2016) chưa được lập hồ sơ báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên, theo xác minh thực tiễn của PV Báo Thanh tra ngày 25/3/2017 tại hiện trường 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ cho thấy: Vết nhựa từ gốc cây vẫn đang chảy, lá cây nghiến còn xanh. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy cây gỗ nghiến mới bị lâm tặc đốn hạ khoảng một tháng trở lại đây vì lá cây còn xanh và bám trên cành. Trong khi đó, theo biên bản của Kiểm lâm VQG lập, 3 cây gỗ này bị chặt hạ từ tháng 3/2016, đến nay đã 1 năm trôi qua lá cây phải rụng hết trơ trụi, gốc cây bắt đầu phải bị mục do nắng mưa?
Ngoài những vết nhựa vẫn đang rỉ chảy ra từ gốc cây, một điều quan trọng cho nhất do cây có đường kính lớn hàng mét nên khi bị chặt đổ đã làm vỡ những khối đá tai mèo tại đây. Những mảnh đá vỡ này vẫn còn sáng nguyên thể hiện cây mới bị chặt hạ chứ không phải được chặt từ một năm trước đó.
Vị trí cây nghiến bị chặt hạ chỉ cách mặt hồ Ao Tiên khoảng mấy chục mét rất gần nơi người dân bán hàng rong tại khu vực thắng cảnh du lịch này và 3 thân cây nghiến bị đổ xuống tạo thành một khoảng rừng xơ xác rất dễ phát hiện thế nhưng không hiểu sao lực lượng Kiểm lâm VQG Ba Bể không hề hay biết cho tới khi có Tổ Công tác vào kiểm tra, (trong khi rất nhiều người dân lại biết?).
Trước đó, trả lời báo chí về việc có hay không việc VQG Ba Bể vẫn để xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá rừng, ông Bùi Văn Quang, quyền Giám đốc kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Ba Bể thừa nhận: “Tình trạng chặt phá rừng mà đặc biệt chặt hạ cây nghiến vẫn diễn ra và không có dấu hiệu thuyên giảm. Từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu cho đến nay (tháng 3/2017), chúng tôi đã xác định đã có 6 cây nghiến bị đốn hạ. Sau khi phát hiện ra sự việc, Ban Quản lý đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh”.
Theo báo cáo của Ban Quản lý VQG Ba Bể (tính đến tháng 11/2016), có 13 cây bị chặt hạ. Tổng số lượng lên tới 107,8m3, trong đó có 9 cây nghiến thuộc nhóm IIA và 4 cây thuộc nhóm gỗ thông thường.
Cụ thể trong tháng 9/2016, có 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với 10,98m3 gỗ. Đến ngày 20/10/2016, quá trình kiểm tra lại phát hiện tại khu vực Lùng Duốc có 1 cây nghiến bị chặt hạ với tổng khối lượng lên tới 61,026m3 gỗ. Theo lời ông Quang thì cây nghiến ở khu vực Lùng Duốc có tuổi đời trên 200 năm.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.