ThienNhien.Net – 8.000 tỷ USD là số tiền cần để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á trong giai đoạn năm 2010-2020. Báo cáo Đáp ứng nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Á” (Meeting Asia’s Infrastructure Needs) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) thực hiện khẳng định. Nghiên cứu này khẳng định kết quả đánh giá gần đây nhất vào năm 2009 về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã không còn chính xác nữa bởi 8 năm qua có rất nhiều biến động.
Bối cảnh mới
Thay đổi về môi trường kinh tế trong khu vực và trên thế giới
Năm 2009, thế giới vẫn đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế cùng với nhiều biến động khó dự đoán. Năm 2017 này, bức tranh kinh tế thế giới đã tươi sáng hơn: các nền kinh tế tiên tiến đang tăng trưởng nhẹ, đặc biệt là châu Âu và Nhật; trong khi một vài thị trường mới nổi như Brazil và Nga đang gặp khó khăn, một phần nguyên nhân là do sự trượt giá của giá cả hàng hóa; Trung Quốc phát triển vừa phải.
Trong bối cảnh đầy thử thách này, tốc độ tăng trưởng của châu Á vẫn khá mạnh mẽ. ADB dự đoán GDP khu vực sẽ tăng lên 5,7% trong năm nay. Do vậy, cơ sở hạ tầng cần phát triển để kịp đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nhận thức và đánh giá đúng hơn về biến đổi khí hậu cũng như các tác động của nó
Đây chính là nguyên nhân khiến 195 quốc gia kí kết Hiệp định Paris năm 2015 và cam kết đóng góp cho mục tiêu chung nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng theo nhiều hình thức khác nhau. Để giúp các quốc gia đạt được mục tiêu giảm khí thải cần có bước chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh. Và cơ sở hạ tầng cũng cần phải có khả năng “chống biến đổi khí hậu” hoặc có sức chống chịu cao với thiên nhiên như hiện tượng nước biển dâng hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Gia tăng các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng
Trung Quốc thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” vào năm 2013 để hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong khu vực. Hai năm sau, Nhật tiến hành chính sách “Hợp tác vì hạ tầng chất lượng” với mục đích huy động 110 triệu USD cho phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực đến năm 2020. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – trụ sở tại Bắc Kinh – bắt đầu hoạt động từ năm 2016 với số vốn 100 triệu USD sau đó mở rộng khoản cho vay lên 1,7 triệu USD trong năm đầu hoạt động. Hàng loạt đối thủ của AIIB cũng gia tăng hoạt động – khoản cho vay của ADB tăng 17% lên 31,5 triệu USD trong năm ngoái (bao gồm cả các khoản đồng tài trợ).
Đa dạng nhu cầu cơ sở hạ tầng châu Á
Nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á đã vượt xa khả năng đầu tư của bất kì chương trình hay định chế tài chính nào. Nhu cầu vốn là rất lớn, đủ cơ hội cho mọi nhà đầu tư. Hiện tại nguồn cấp vốn của các dự án khả thi lại có nhiều khó khăn về tài chính. Do vậy, các thể chế tài chính như ADB hay AIIB có thể tài trợ cũng như hỗ trợ kỹ thuật để giúp chính phủ các nước chuẩn bị cho các dự án đầu tư khả thi nhưng cũng đầy thách thức.
Nhu cầu đầu tư tăng mạnh
ADB đã nghiên cứu nhu cầu đầu tư của từng khu vực và công bố kết quả trong Báo cáo mới. Báo cáo này cũng tương đồng với các dự báo về quỹ đạo tăng trưởng của châu Á. Báo cáo đã đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu lên nhu cầu về cơ sở hạ tầng của khu vực và nhận định cách thức mà các đối tác phát triển có thể hỗ trợ các quốc gia nhằm đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy chứ không hạn chế tăng trưởng.
Theo báo cáo, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình tăng trưởng kinh kế mới, châu Á cần 26.000 tỉ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016 – 2030, tương đương 1.700 tỉ USD/năm. Con số này tăng gấp đôi so với dự báo năm 2009.
Nguyên nhân sự gia tăng này là do ước tính về GDP của các quốc gia cao hơn, các khoản đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu cũng cao hơn, và sử dụng mức giá cả của năm 2015 thay vì năm 2008, trong khi vốn của các quốc gia cũng lớn hơn. Tuy nhiên, điểm quan trọng là nhu cầu dự báo tăng gần gấp đôi mức đầu tư khoảng 900 tỷ USD hiện nay khu vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Hầu hết các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đều do khu vực nhà nước cấp vốn, tuy nhiên hiện khả năng tài chính của khu vực này chỉ đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu đầu tư. Điều này có nghĩa là khu vực tư nhân sẽ phải tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn so với hiện nay – gấp 3 đến 4 lần.
Như vậy, nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt với nhiệm vụ lớn để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi sự cải thiện môi trường luật pháp cũng như chính sách của các quốc gia.
Bài viết của Abdul Abiad là cố vấn Vụ Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á.
Thu Hà (Theo ADB)