ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu đang trở thành hiểm họa chưa từng có đe dọa hòa bình, thịnh vượng và sự phát triển. Việc giải quyết vấn đề này mang lại những cơ hội kinh tế cho nhiều chính phủ và doanh nghiệp. Vì vậy, các nước cần duy trì cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một phiên họp của Đại Hội đồng LHQ ngày 23/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nêu bật mối liên hệ giữa Hiệp định Paris với các các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 (SDGs) của LHQ. Ông nhấn mạnh tính hai mặt của vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ nhất, đây là mối đe dọa trực tiếp và theo cấp số nhân, gắn liền với SDGs. Tuy nhiên, bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những cơ hội lớn cho các nước thành viên trong quá trình ngăn chặn trái đất ấm lên.Ở mặt tiêu cực, biến đổi khí hậu đã khiến năm 2016 là năm nóng nhất, lượng băng đã giảm xuống mức kỷ lục và mực nước biển dâng lên cao nhất. Hậu quả của tình trạng này là dẫn tới mất mùa, kéo theo đe dọa an ninh lương thực, khan hiếm nước, đói nghèo và di dân thiếu kiểm soát.
Trong khi đó, mặt tích cực của biến đổi khí hậu là tạo động lực cho các chính phủ, các doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh, nền kinh tế xanh.
Củng cố thêm thông điệp của Tổng Thư ký Guterres, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Peter Thomson và Thư ký điều hành Hội nghị Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP), bà Patricia Espinosa cho rằng nền nhiệt thế giới đang có xu hướng tăng lên từ 3-4 độ C, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của con người.
Hai quan chức LHQ nhấn mạnh các nước cần hành động để bảo vệ trái đất – môi trường sống của nhân loại trước khi quá muộn.
Ngày 4/11/2016, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực. Theo đó, gần 200 quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Ngoài ra, Hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.