ThienNhien.Net – Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác phối hợp thông tin tuyên truyền về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2017, do Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN tổ chức mới đây, cho thấy do tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường.
Năm 2016, toàn quốc xảy ra 2.694 vụ sự cố, thiên tai và TKCN (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), so cùng kỳ năm trước tăng 183 vụ (6,8%), làm chết 736 người (tăng so với năm trước 71 người), mất tích 194 người, bị thương 755 người (tăng 155 người)…
Những thiệt hại nêu trên không chỉ do nguyên nhân khách quan, mà điều đáng nói, bắt nguồn từ sự chủ quan, ý thức chủ động và kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN của người dân còn hạn chế. Trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa chặt chẽ, còn thụ động, cá biệt có nơi cán bộ xem nhẹ việc chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), cho nên lúng túng khi xảy ra sự cố, thiên tai, dẫn tới thiệt hại nặng nề. Sau mỗi sự cố đáng tiếc, cơ quan chức năng mới “nhận thức vấn đề”, mới “quyết liệt” ra quân. Dư luận cho rằng, công tác chuẩn bị, kiểm tra, thanh tra, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ…, đừng để “nước đến chân… mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”…
Mùa mưa, bão đã đến. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, thời gian tới, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường và khó dự báo. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế trên các vùng, miền, nhất là việc xây dựng các công trình giao thông, khai thác tài nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố có thể xảy ra… Để chủ động ứng phó hiệu quả, Ủy ban Quốc gia TKCN cần tiếp tục chủ động phối hợp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó những tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai. Tăng cường phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức cho lãnh đạo các cấp và ý thức chủ động của người dân trong phòng, tránh, chủ động ứng phó sự cố, thiên tai. Trong đó, đề cao các biện pháp phòng ngừa, chủ động ứng phó, đi đôi tăng cường dự báo, cảnh báo sớm tình hình thiên tai bão, lũ, dông lốc, nguy cơ lũ quét, sạt lở núi…
Vấn đề quan trọng nữa, cần kịp thời chỉ đạo kiện toàn hệ thống tổ chức TKCN, xây dựng quy chế hoạt động của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các cấp; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, hội thao ứng phó tình huống. Sẵn sàng triển khai ứng phó hiệu quả tình huống bão mạnh, siêu bão và nâng cao khả năng cơ động lực lượng, phương tiện ứng phó, TKCN của các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm… Đặc biệt là, chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp và phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Bởi, khi thiên tai xảy ra, việc chuẩn bị tốt phương châm này sẽ giúp địa phương, cơ sở và người dân xử lý bước đầu, không bị động, bất ngờ khi chưa nhận được sự chi viện, giúp đỡ từ các lực lượng chuyên trách, để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thực tế đã có những bài học đắt giá, do không chuẩn bị tốt nhu yếu phẩm, nên nhiều nơi lũ lụt xảy ra đã bị nạn đói đe dọa. Ngược lại, một số nơi nhờ dự trữ đủ lương thực, nên khi xảy ra lũ lụt, mặc dù bị cô lập nhiều ngày do giao thông bị chia cắt, nhưng cuộc sống người dân vẫn được bảo đảm.