ThienNhien.Net – Nhiệt điện than là xu hướng tất yếu, nhưng các ngành chức năng cần có các biện pháp bảo vệ môi trường tối ưu như xử lý hiệu quả chất thải, làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Ngày 24/3, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo Công nghệ nhiệt điện than và môi trường.
Theo đánh giá của các đại biểu, nhiệt điện than là xu hướng tất yếu tại Việt Nam hiện nay, nhưng cần có các biện pháp bảo vệ môi trường tối ưu như xử lý hiệu quả các chất thải, làm tốt công tác quản lý, giám sát và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Theo dự báo, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh là 506 tỷ kWh. Trong khi đó, tiềm năng năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh.
Trong khi đó, các nguồn năng lượng khác tương đối hạn chế. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh. Các nguồn năng lượng tái tạo gồm như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng hơn 27.000 MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030. Chính vì vậy, nhiệt điện than đóng vai trò quan trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm hơn 49% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt khoảng hơn 55.000 MW, chiếm hơn 53% điện sản xuất.
Theo ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, than có dự trữ lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 300 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất, thời gian xây dựng không quá lâu (khoảng 3 năm) và không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện. Do giá thành sản xuất điện chỉ thấp hơn thủy điện nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đều chuyển sang phát triển nhiệt điện than và đây là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu của thế giới.
Về công nghệ, nhà máy nhiệt điện than thường có hai phần là công nghệ sản xuất điện và công nghệ xử lý phát thải ra môi trường. Đây là những công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới với hiệu suất, tự động hóa cao, đồng bộ, tập trung và tin cậy về độ an toàn. Mức độ hiện đại của thế giới như thế nào thì ở Việt Nam cũng có thể như vậy.
Tuy nhiên Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cũng cho rằng, nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Ngoài ra, nhiệt điện than chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ, nhu cầu làm mát rất lớn, nên cần phải đặt gần sông có lưu lượng lớn hoặc vùng ven biển.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, đồng thời tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý.
Theo EVN, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn quản lý đều đạt các chỉ tiêu về môi trường. Tất cả các nhà máy nhiệt điện than đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt… Sau khi làm mát bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn hở có chiều dài đủ để đưa nhiệt độ nước về dưới mức quy định của quy chuẩn Việt Nam . Công tác xử lý tro xỉ ở một số nhà máy đã có đối tác tiêu thụ hết. Một số tro xỉ chưa được tiêu thụ cũng được xử lý, theo dõi như lắp camera giám sát, phun nước tự động để hạn chế sự phát tán bụi… Đồng thời, các thông số môi trường được kết nối trực tuyến với các Sở Tài nguyên Môi trường để có thể giám sát thường xuyên, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quy định.
Đại diện Tổng Công ty phát điện 3 (GENCO3) cho biết, đ ể đảm bảo quá trình vận hành đáp ứng các quy chuẩn về môi trường, các nhà máy tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) đã trang bị đầy đủ các hệ thống thiết bị đồng bộ, có công nghệ hiện đại để xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại). Mặt khác, để đảm bảo khói thải ra không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, các nhà máy nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân đều được lắp đặt 3 hệ thống xử lý khói thải đồng bộ: hệ thống khử khí NOx (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) để lọc tro bay và hệ thống khử khí Sox (FGD).
Cũng theo đại diện lãnh đạo Tổng Công ty phát điện 3, với việc áp dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến, điều khiển tự động, thông qua các bộ khử Nox (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) để lọc tro bay, hệ thống khử khí Sox (FGD) hiệu suất cao, khói thoát ra của các nhà máy đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng đầy đủ yêu cầu đánh giá tác động môi trường về khí thải, thông số vận hành tốt hơn các quy chuẩn hiện hành. Đồng thời, các thông số khói thải được kiểm soát chặt chẽ thông qua các thiết bị phân tích, giám sát tự động liên tục và truyền dữ liệu về phòng kiểm soát Trung tâm của nhà máy.