ThienNhien.Net – Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 27-2 về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh, chi phí, giá thành điện năm 2016; phương án giá điện năm 2017 và xử lý chênh lệch tỉ giá, đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-3.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần rà soát, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất – kinh doanh của ngành điện năm 2017 trên các mặt: tỉ lệ tổn thất điện năng, sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm, nhất là nhiệt điện dầu, trong kế hoạch vận hành năm 2017…; bảo đảm đủ điện cho sản xuất – kinh doanh, đời sống nhân dân và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, phấn đấu giảm thêm tỉ lệ tổn thất điện năng để giảm chi phí, giá thành theo hướng giảm tối đa tổn thất thương mại và phấn đấu giảm tổn thất kỹ thuật; xác định lộ trình để phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí thường xuyên của cả tập đoàn.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng có nhiều áp lực dẫn đến sự cần thiết phải tăng giá điện. Tuy nhiên, hiện Chính phủ mới giao Bộ Công Thương hướng dẫn EVN tính toán, đề xuất các kịch bản, phương án. Theo đó, có rất nhiều tiêu chí mà EVN phải tính đến như: giá than và giá khí có điều chỉnh hay không? Khoản chênh lệch tỉ giá được phân bổ theo lộ trình nào? Đặc biệt, EVN phải tính đến chuyện tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng… để hạn chế tới mức tối đa các áp lực lên giá điện. “Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản muốn tăng giá than, đây được coi là một trong những áp lực cho giá điện. Nhưng cũng phải nhìn nhận hiện nay, các mỏ than đã đào xuống sâu, chi phí khai thác lớn, không thể rẻ như khai thác lộ thiên được. Nếu giá than cần tăng mà không cho tăng thì rất phi thị trường” – ông Ngãi phân tích.
Theo ông Ngãi, tuy ngành điện đứng trước áp lực tăng giá điện thật nhưng có thể mức tăng, nếu được cho phép, sẽ không quá lớn để đạt mục đích bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, các ngành kinh tế sử dụng nhiều điện cũng phải tự tạo động lực để tiết giảm chi phí thông qua việc cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất; còn nhà nước có phương án cân bằng thu chi để giảm thêm thuế suất các loại thuế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng chỉ ra nhiều yếu tố đầu vào khiến áp lực giá điện trở nên căng thẳng, như vấn đề tỉ giá, nợ vay, thủy điện đã hết tiềm năng khai thác, ngành than đòi tăng giá… “Nhà máy thủy điện lớn nhất là Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã khánh thành và đây chính là nguồn thủy điện lớn cuối cùng chúng ta khai thác rồi. Còn một vài dự án khác nhưng chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Nhiệt điện bây giờ không phải rẻ bởi giá than tăng là xu thế, nhất là khi giá than thế giới hồi phục nhưng nhiệt điện bây giờ chính là nguồn chủ lực của chúng ta” – ông Long nêu.
Cũng theo ông Long, giá điện được điều chỉnh lần gần đây nhất là vào tháng 3-2015 với mức tăng 7,5%. “Hai năm giá điện không tăng, giữ ổn cho sự phát triển các ngành kinh tế. Nhưng theo quy luật thị trường, thời gian càng lâu thì giá càng bị ghìm mạnh và nếu tăng lại càng mạnh. Vì lợi ích vĩ mô mà gây ra chênh lệch quá lớn thì cũng không nên. Tôi cho rằng hoạt động điện lực Việt Nam cần được xây dựng theo hướng thị trường hóa, cân bằng cả 2 mặt là ổn định vĩ mô và giải phóng áp lực cho ngành điện, làm sao tránh để tình huống tăng giá sốc vì sẽ lợi bất cập hại” – ông Long nói.