ThienNhien.Net – Trong ba năm từ 2014-2016, tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng (PFES) trung bình đạt 1.300 tỷ đồng/năm – con số này lớn hơn tổng số ngân sách hàng năm đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Đây là con số đặc biệt ý nghĩa với ngành lâm nghiệp bởi từ tháng 6/2016 đến nay, ngành chưa nhận được tiền chi ngân sách cho hầu hết các hoạt động, đặc biệt năm 2017, tổng đầu tư cho lâm nghiệp chỉ bằng 30% năm 2016, tức chưa đầy 300 tỷ đồng.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 24/3/2017 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Tuấn, trong số 1.300 tỷ, 97% được thu từ dịch vụ cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện, >20% thu từ các nhà máy nước sạch, còn lại phần nhỏ thu từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, 1.300 tỷ mới chỉ là con số “gián thu”, tức thu gián tiếp qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo hình thức ủy thác, ngoài ra, các chủ rừng còn có tổng thu trực tiếp từ PFES, đặc biệt là các trung tâm du lịch. Nếu tính gộp cả hai nguồn thu thì tác động của PFES còn lớn hơn nhiều. Dù đánh giá cao hiệu quả thực thi PFES, song ông Tuấn cũng còn một số băn khoăn khi PFES mới chỉ được áp dụng với ba loại hình dịch vụ (cung cấp nước sạch cho các nhà máy thủy điện, nhà máy nước và hoạt động du lịch) trong khi nhóm đối tượng phải chi trả PFES có thể được mở rộng hơn. Mặt khác, định mức PFES áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện và các cơ sở sản xuất, cung cấp nước sạch hiện chưa được nâng lên định mức 36 đồng/kWh và 52 đồng/m3 vì còn phải chờ… giá điện tăng (theo hiệu lực thực thi Nghị định 147/2016).
Nhằm thúc đẩy hiệu quả thực thi PFES, Bộ NN&PTNT đề nghị cần tăng mức thu tiền PFES tiệm cận với giá trị dịch vụ môi trường do rừng tạo ra để tăng nguồn thu từ PFES, đồng thời thí điểm và ban hành chính sách thu PFES từ các loại hình dịch vụ nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các-bon rừng. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi với các điều cụ thể liên quan đến PFES.
Hồng Ngọc