ThienNhien.Net – Ngày 1/3, Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1881/SKHĐT-PPP của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho ý kiến góp ý báo cáo Đề xuất Dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 do Cty CP đầu tư xây dựng Trung Nam lập.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Theo công văn 1881/SKHĐT-PPP báo cáo đề xuất đã được hoàn chỉnh theo ý kiến của các Sở, ngành và đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi Bộ Xây dựng chưa có bản giải trình, tiếp thu ý kiến nêu trên. Vì vậy, đề nghị bổ sung làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh đề xuất dự án. Trong nội dung thuyết minh của đề xuất dự án không thống nhất thuật ngữ giữa trạm và nhà máy xử lý nước thải, dẫn đến khó có cơ sở để xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho phù hợp với dự án.
Đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu, phối hợp với Ban Quản lý đầu tư Dự án vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh rà soát thống nhất các nội dung quy hoạch về vị trí, quy mô, công suất, phạm vi phục vụ…cũng như làm rõ các vấn đề liên quan đến kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hồ Chí Minh.
Đề nghị phân tích, bổ sung các nội dung như: tình hình, thực trạng về thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố Hồ Chí Minh nói chung và khu vực đề xuất dự án nói riêng, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm nước thải tới đời sống, môi trường khu vực, hiện trạng hệ thống thu gom nước thải, tổng lượng nước thải phát sinh, tình hình ngập úng…và bổ sung Bản đồ vị trí nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 trong Điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề xuất Dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 với tổng công suất 170.000 m3/ngđ, chia làm 2 giai đoạn và 20 tuyến chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý nước thải (bao gồm tuyến cấp 1 và cấp 2). Việc xác định công suất nhà máy xử lý nước thải cần phù hợp theo quy hoạch. Làm rõ các tuyến cống chuyển tải là thu gom nước mưa, nước thải chung hay riêng, lượng mưa và các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định được công suất phù hợp theo từng giai đoạn của dự án. Hệ thống thu gom chuyển tải cấp 1, 2 với tổng chiều dài đề xuất ước tính gần 40km trong khi phương án lựa chọn là tự chảy là chưa phù hợp và chưa có cơ sở để đảm bảo vận tốc dòng chảy tối thiểu, do đó thiết kế sơ bộ cần tính toán, cân nhắc để xác định các trạm bơm chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý cho phù hợp.
Báo cáo đề xuất mới chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng các công trình đầu mối bao gồm: hệ thống chuyển tải và nhà máy xử lý nước thải mà chưa tính đến mạng lưới thu gom nước thải được đấu nối từ hộ thoát nước (tuyến cống cấp 3). Thực tế, các dự án chủ yếu đầu tư vào xây dựng các công trình đầu mối mà thiếu đầu tư đồng bộ mạng lưới thoát nước đã gây lãng phí và ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư (nhà máy xử lý nước thải không có hoặc thiếu nước thải để hoạt động).
Báo cáo đề xuất cần đưa ra các phương án huy động vốn mang tính khả thi theo hình thức hợp tác công tư – PPP, làm rõ phương án cụ thể cũng như đề xuất về dự kiến cơ cấu tài chính của dự án; bổ sung phân tích đánh giá về khả năng và các điều kiện để thực hiện dự án, đặc biệt đối với việc giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư sau giải phóng mặt bằng; cơ chế quản lý tài chính dự án trước và sau khi đầu tư. Bổ sung các phân tích đánh giá các rủi ro của Dự án trong quá trình đầu tư xây dựng và làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể tham gia trong hình thức hợp tác đầu tư PPP, cũng như cơ chế quản lý dự án sau đầu tư nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án.
Báo cáo đề xuất cần rà soát một số các quy chuẩn áp dụng chưa phù hợp và bổ sung quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, như: QCVN 40:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp đối với nước thải sau xử lý; Thay thế QCVN 07:2010/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng QCVN 07-02:2016/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình Hạ tầng Kỹ thuật – Công trình thoát nước; Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.