ThienNhien.Net – Nói về dư địa để phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm, TS Nguyễn Văn Lạng cho rằng ngành còn hạn chế, còn thách thức là còn dư địa để phát triển.
4 tiềm năng, động lực lớn
Trong buổi tiếp xúc riêng với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi về những cơ hội và giải pháp để thúc đẩy, phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao đang được Chính phủ quan tâm.
Trước hết, TS Nguyễn Văn Lạng giải thích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực chất là một khái niệm đã được đưa vào Luật Công nghệ cao Việt Nam. Trong luật chỉ ra những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là cơ sở hạ tầng, đường sá, điện nước, cáp quang, vi tính, truyền thông…Các nhà đầu tư sẽ thuê đất để làm nông nghiệp công nghệ cao với các loại công nghệ như: công nghệ chế biến, công nghệ cấy mô, chế biến nông sản, thủy canh, tưới nhỏ giọt…để tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng cao hơn nhiều lần so với sản phẩm bình thường.
Theo TS Lạng, Việt Nam là một nước có tiềm năng và dư địa để phát triển mảng nông nghiệp công nghệ cao cực kỳ lớn. Thứ nhất, Việt Nam là một nước nông nghiệp nên dù ngành công nghiệp, dịch vụ có phát triển đến đâu thì nông nghiệp vẫn đóng một vai trò lớn, mặc dù tỷ trọng của ngành này so với GDP đang giảm dần do sự phát triển các ngành khác cao hơn.
Song, giá trị tuyệt đối về thu nhập một năm sản xuất nông nghiệp như: lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… vẫn tăng trưởng thường xuyên cả về lượng và giá trị. Điều này đóng góp một phần rất quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu về lương thực cho hơn 90 triệu dân trong nước. Theo đó, TS Lạng cho rằng năng lực sản xuất là yếu tố đầu tiên để thúc đẩy phát triển.
Thứ hai, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nên thời tiết thuận lợi cho việc trồng nông sản. Ngoài ra, kinh nghiệm về cách chăm bón các loại rau củ quả…từ đời cha ông truyền lại vô cùng quý báu, cũng được xem là lợi thế cho sự phát triển.
Thứ ba, Việt Nam đang là cường quốc của nhiều mặt hàng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, gỗ…, xuất khẩu luôn ở top đầu của thế giới. Rõ ràng đây là một tiềm năng không phải nước nào cũng có.
Thứ tư, động lực được TS xem là yếu tố quan trọng lúc này là Trung ương Đảng, Chính phủ đang rất quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao.
Đầu tư từ giống…
Nhìn vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay, TS Lạng đánh giá còn quá nhiều yếu kém, yếu về giống, biện pháp thâm canh, chế biến sâu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, logistics….Tuy nhiên, chính những yếu kém, hạn chế trên lại được TS xem là tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ví dụ về giống lúa, TS đặt câu hỏi tại sao các nước bán tối thiểu 20 USD/kg gạo trong khi chúng ta lại bán 10 USD/kg gạo, điều này rất vô lý? Đây chính dư địa phát triển.
Về thu hoạch, có năm nước ta rơi vãi 17%, 18%… thậm chí 20% lúa, cà phê…, nhưng nếu chúng ta làm giảm lượng rơi vãi trong thu hoạch khoảng 5-10% thì chúng ta có thể tạo ra hàng triệu tấn lúa, tạo ra hàng trăm ngàn tấn cà phê…
Chúng ta đầu tư sâu vào hệ thống canh tác như: bón phân, tưới nước… Nhưng biện pháp bón lâu nay là vun vào gốc, dư lượng quá thừa, thế giới “tẩy chay”. Theo đó, bây giờ chúng ta phải dùng công nghệ mới là vi sinh, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Nhật Bản…hòa phân vào nước, hạn chế dùng phân vô cơ. Nếu làm được những điều này thì sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng cao, có thể vào được các thị trường đẳng cấp như EU, Mỹ… và đạt được thương hiệu thế giới.
Cụ thể hóa với loài mắc ca. TS Lạng cho biết hiện 25% trên thế giới đang thiếu mắc-ca. Mắc-ca không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn làm dược liệu. Vậy điều kiện phát triển là ở những vùng cao. Khi độ cao so với mặt biển khoảng 800m, khi có một số giờ chiếu sáng thấp, lượng mưa cao và đặc biệt có nhiệt độ ra hoa dưới 22 độ thì trồng mắc-ca sẽ rất thành công. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề của chúng ta là giống, chọn giống không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm vì mắc-ca là giống cây hoang dã, cây rừng mới được thuần hóa khoảng 200 năm nay tại Úc. Vì vậy phải chọn giống chuẩn, phải lập địa sinh thái chuẩn thì mới làm được mắc-ca.
Tận dụng lợi thế đã có
Khi nói đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay đến việc đầu tư nhiều vào hạ tầng, đường sá, nhà kính, nhà lưới, máy điều hòa…và tạo ra giống, tạo ra 4,5 tầng thủy canh để làm sản phẩm, như vừa qua có doanh nghiệp thực hiện mô hình này với rau diếp, hoa…đây là mô hình có thể làm được . Nhưng theo TS Lạng, nếu mở trên diện rộng với toàn ngành nông nghiệp Việt Nam thì sẽ không khả thi vì mô hình này chỉ làm với quy mô nhỏ, cây đặc dụng, cây ngắn ngày…
Theo đó, TS Lạng cho rằng nên đầu tư vào sản phẩm nước ta sẵn có, ví dụ như đầu tư vào hạt điều, con tôm, lúa gạo, cà phê…sẽ thành công, vì đây là thế mạnh sẵn có của nước ta trong việc chăm bón, nuôi trồng. Chúng ta chỉ cần đầu tư lớn vào công nghệ để phát triển các mặt hàng này lên, mà không cần phải đổ nhiều tiền vào hạ tầng như: nhà kính, nhà lưới, máy điều hòa…Trong khi tỷ lệ thành công sẽ rất cao.
Còn với những sản phẩm không phải là thế mạnh của nước ta, chi phí đầu tư sẽ rất cao, ngược lại khả năng thành công cũng không phải là lớn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
Đánh giá về động thái này của Chính phủ, TS Nguyễn Văn Lạng xem đây là một tuyên bố quan trọng, như là lời khẳng định rằng Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.