ThienNhien.Net -Trước đây, “cát tặc” từng là vấn nạn nhức nhối, là nguyên nhân khiến hàng chục hécta đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Để giữ đất, nhiều “cuộc chiến” giữa người dân và “cát tặc” đã xảy ra khiến hai bên đều phải đổ máu. Thế nhưng nhờ có những biện pháp xử lý “thẳng tay” của địa phương, hiện vấn nạn “cát tặc” đã chấm dứt, bờ sông Krông Nô dần yên bình trở lại.
Người dân mất đất, mất mạng
Từ năm 2016 trở về trước, sông Krông Nô, đoạn qua xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là điểm nóng về vấn nạn “cát tặc”. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã này, mỗi ngày có hàng chục tàu cát hoạt động, khai thác cát trái phép.
Hậu quả, dọc theo sông Krông Nô, có hơn 80 héc ta đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở. Bên cạnh đó, nhiều hộ đành phải cắn răng, bán rẻ đất cho cát tặc vì… có giữ cũng mất.
Trước vấn nạn “cát tặc” tung hoành ngang ngược, ngày nào cũng cắm vòi rồng, hút cát sát vào bờ khiến đất sản xuất bị “sông nuốt”, người dân đã có nhiều đơn kiến nghị, đồng thời bày tỏ ý kiến trước các buổi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, mọi chuyện vẫn chẳng khá hơn chút nào.
Bức xúc vì mất đất, người dân đã dùng nhiều cách ngăn chặn “cát tặc”. Theo ông Bùi Đức Hàn, Trưởng thôn 3, xã Buôn Choah, vì tàu khai thác cát hoành hành, đất sạt lở liên tục nên gia đình ông phải 4 lần di dời nhà cửa. Nhà ông cũng mất gần 2 hécta đất sản xuất.
Ngoài ra, trong thôn có khoảng 11 hécta đất của bà con bị sạt lở. Nhiều hộ dân bức xúc, bỏ thời gian ra bờ sông canh chừng, xua đuổi tàu cát. Thế nhưng, khi thấy bóng người dân, các tàu cát lùi ra xa bờ, khi người dân đi, họ lại chĩa vòi vào sát bờ để hút.
Xua đuổi không có hiệu quả, bà con áp dụng biện pháp mạnh hơn như ném gạch đá xuống sông để cảnh cáo. Liên tiếp những cuộc xô xát xảy ra giữa người dân và những người khai thác cát khiến hai bên phải đổ máu. Vào khoảng giữa năm 2011, tại thôn 3 có anh Ngọc Văn Thức (SN 1986) bị “cát tặc” tấn công, đánh trọng thương, phải nhập viện điều trị gần một tuần.
Ông Hàn kể lại: “Hôm đó, bà con trong thôn mang theo gậy gộc, đá từ trên bờ ném xuống. Phía dưới thuyền, những người khai thác cát mang theo khiên chắn bằng gỗ, thủ sẵn gạch đá để ném lại. Sau đó, phía trên bờ bà con đuối thế, phải rút lui còn “cát tặc” tràn lên, đuổi đánh. Vào thời điểm đó, anh Thức ở trong làng đi ra, nghĩ mình không tham gia ẩu đả nên không chạy. Ai ngờ, anh bị trận đòn nhừ tử, phải nhập viện”.
Sau khi anh Thức bị đánh không lâu, chị Nông Thị Kính lúc đó mới hơn 20 tuổi ra giặt áo quần trên bờ sông Krông Nô. Không may đất sạt, người phụ nữ này chìm xuống sông mất tích. Dù tìm kiếm nhiều ngày liền nhưng đến nay vẫn không thấy thi thể nạn nhân đâu. “Chị Kính nhà ở gần sông, cuộc sống cơ cực nên chưa đào được giếng, mới ra sông giặt đồ”, ông Hàn nhớ lại.
Còn theo ông Lương Thế Việt, Trưởng thôn 6, ngày trước, “cát tặc” cứ chĩa những vòi rồng to bằng bắp đùi người lớn vào bờ sông để hút cát. Nhà ông ở gần sông, mỗi ngày thấy hơn 60 tàu cát chạy qua lại. Về đêm, số lượng tàu cát hoạt động rầm rộ hơn. Nhiều đêm cả nhà ông mất ngủ vì tiếng động cơ nổ lạch bạch qua lại liên tục.
Mất đất sản xuất, bà con thôn 6 hùa nhau ra đuổi cát tặc. Thế nhưng đuổi chỗ này thì họ lại ra chỗ kia. Khi báo chính quyền xã, cán bộ xuống đến nơi là tàu cát cũng kịp rút sang bờ bên kia (thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk) nên không thể giải quyết. Quá bức xúc, một số người đã đập chai thủy tinh đổ xuống ven sông, làm người hút cát bị mảnh thủy tinh vướng vào tay chảy máu.
“Cát tặc” sau đó bị cho là tìm cách “trả đũa”. Hộ anh Phạm Văn Thực bị phá hoại 3 sào bắp trong một đêm. Dù không tìm được thủ phạm nhưng người dân cho rằng những người khai thác cát “trả thù” việc bị đổ mảnh thủy tinh xuống sông. Tính sơ sơ, lần đó anh Thực mất trắng 10 triệu đồng.
Phạt nghiêm, tịch thu phương tiện
Chuyện “cát tặc” tung hoành và những “cuộc chiến” trên địa phận sông Krông Nô đoạn qua xã Buôn Choah nói riêng và huyện Krông Nô nói chung nay đã không còn. Dòng sông đã yên bình, ngay cả những điểm sạt lở nặng ngày xưa, cỏ cây đã mọc xanh tốt.
Từ năm 2016 đến nay tàu cát đã hoạt động ít hơn, chủ yếu hút giữa lòng sông, không lấn vào bờ như trước. Bên cạnh đó, cán bộ xã, huyện cũng thường xuyên có mặt, kiểm tra.
Ông Huỳnh Long Quốc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trước đây, vấn nạn khai thác cát trái phép từng trở thành một vấn đề nhức nhối tại địa phương. Thế nhưng từ tháng 3/2016 đến nay, vấn nạn này đã được đẩy lùi hoàn toàn. Theo ông Quốc, để chống lại nạn khai thác cát lậu, phải “thẳng tay bắt, thẳng tay phạt”. Chỉ những biện pháp mạnh mẽ như tịch thu phương tiện, xử phạt nghiêm thì mới mang lại hiệu quả.
Ngoài việc bắt – phạt những tàu thuyền khai thác cát trái phép, thời gian gần đây, huyện cũng quản lý chặt chẽ những công ty, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn. Ông Quốc cho hay:
“Mỗi doanh nghiệp phải tự quản lý, bảo vệ khúc sông được cấp phép khai thác. Ngay khi phát hiện có tàu thuyền khác xâm phạm, khai thác trên địa điểm mình được giao, phải lập tức báo cho lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với bà con về những trường hợp sạt lở đất nông nghiệp trên địa phận mình khai thác. Khi xảy ra sạt lở, phía doanh nghiệp khai thác cát sẽ cùng kết hợp với thủy điện, mời cán bộ trung tâm quan trắc môi trường về khảo sát, đánh giá tìm nguyên nhân.
Nếu nguyên nhân sạt lở do thủy điện xả nước, phía thủy điện phải có trách nhiệm, ngược lại nếu sạt lở là do khai thác cát, các công ty, doanh nghiệp khai thác phải chịu trách nhiệm”.
Ông Quốc cho biết thêm, trên địa phận huyện có khoảng 50km đường sông. Hiện có 6 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát với khối lượng và thời gian khác nhau. Có doanh nghiệp lớn được hợp đồng khai thác 30 năm với khối lượng 40.000m3/năm, doanh nghiệp nhỏ được hợp đồng 20 năm và khai thác khối lượng cát 20.000m3/năm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về các tình hình khai thác cát, sỏi trái phép đang gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước với diễn biến phức tạp, hoạt động công khai gây bức xúc trong dư luận. Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về nguyên nhân khó xử lý hình sự các trường hợp khai thác cát trái phép, nhiều đại biểu cho là việc xác định “gây hậu quả nghiêm trọng rất khó”, vì khai thác cát trái phép thường vào ban đêm, qua nhiều tỉnh, nhiều đối tượng mua bán ngay sau khi khai thác, nên chủ yếu xử phạt hành chính. Đến nay, trên cả nước mới duy nhất Hà Nội truy tố hình sự được một vụ vi phạm. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, tình hình khai thác cát trái phép và có phép nhưng vi phạm đang gây hệ lụy nghiêm trọng. Nhu cầu xây dựng là cần thiết, luồng lạch vẫn cần nạo vét, nhưng thực tế không quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt. “Phải quyết tâm lập tại trật tự, phải quản lý thế nào để các doanh nghiệp không lợi dụng, vi phạm. Đánh giá lại toàn bộ các đơn vị được cấp phép hiện nay một cách toàn diện, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra một cách kỹ lưỡng tất cả các vấn đề có liên quan”, tướng Vương kiến nghị. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng cần sớm mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6 nhằm lập lại trật tự hoạt động khai thác cát trong cả nước. Đồng thời, thực hiện rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật cho chặt chẽ để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. |