ThienNhien.Net – Chưa khi nào vấn đề khai thác cát lại “nóng” như hiện nay. Nhiều dòng sông vốn hiền hòa, thơ mộng nay trở thành “đại công trường” khai thác cát.
Những ống bơm có đường kính lớn thọc sâu suống lòng sông để bơm hút tài nguyên. Hệ lụy của những hành động này là môi trường sinh thái bị phá vỡ, nguồn nước ô nhiễm, đất đai, nhà cửa của người dân bị sạt lở trôi xuống sông.
Sông Đồng Nai, dòng sông đang cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho khoảng 20 triệu dân trong khu vực cũng đang ngày đêm bị móc ruột, thai thác cát quá mức.
Ruộng vườn nhà cửa sụp đổ xuống sông
Chỉ cho chúng tôi mảnh vườn đang sạt dần sụt xuống sông, bà Nguyễn Ngọc Hương Lan, sống tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, trước đây vườn nhà bà kéo dài ra phía bờ sông khoảng 15 m so với thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, do tình trạng bơm hút cát lậu diễn ra rầm rộ những năm gần đây đã khiến phần đất vườn sụt dần xuống sông.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ khu phố 1, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, nhiều năm gần đây, do tình trạng bơm hút cát nên khu vườn rộng 1.500 m2 của gia đình ông đã bị sạt lở mất rất nhiều diện tích.
Để chống “cát tặc” trên sông Đồng Nai, từ nhiều năm qua UBND TP Biên Hòa đã thành lập hẳn một Đội liên ngành phản ứng nhanh phòng chống khai thác cát trái phép được trang bị ca nô và công cụ hỗ trợ để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng bơm hút cát trái phép.
Theo đánh giá của Đội liên ngành phảnh ứng nhanh phòng chống khai thác cát trái phép Biên Hòa: Qua bắt giữ các vụ bơm hút cát trái phép cho thấy, những đối tượng này thường tổ chức từng đoàn từ 3 – 6 ghe, trên ghe có 5 – 6 người được trang bị máy hút có công suất lớn.
Khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi thì các đối tượng này thường có hành vi chống trả quyết liệt chỉ đến khi lực lượng chức năng nổ súng cảnh báo thì các đối tượng này mới rút luồng nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, việc khai thác cái trên sông sẽ làm thay đổi hệ sinh thái và làm mất đi tính chất tự bảo vệ của sông. Vì trong đáy sông và vùng ven bờ đều có hệ sinh thái tự bảo vệ, tự làm sạch. Tuy nhiên khi thực hiện bơm hút cát ồ ạt như vậy sẽ làm ảnh hưởng hệ sinh thái lòng sông dẫn đến nguồn nước không có khả năng tự làm sạch.
Xử phạt mới chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”
Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết: Trong thời gian qua, Đội phản ứng nhanh phòng chống hút cát trái phép của thành phố kết hợp với công an và UBND 30 phường xã của TP Biên Hòa thường xuyên tổ chức tuần tra đêm, nhất là các địa bàn trọng điểm bơm hút cát trái phép như như Tam Phước, Bửu Hòa, Tân Vạn, Bửu Long.
Những tổ này thường tuần tra và trực suốt đêm để đi bắt “cát tặc”. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, phương tiện thiết bị không đảm bảo, do đó gặp rất nhiều khó khăn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian qua tại địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân đang sinh sống ven sông.
Trong năm 2016 các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tăng cường kiểm tra và phát hiện 102 trường hợp vi phạm thu giữ 48 ghe, 2 thiết bị bơm hút cát, 8 máy bơm, 2 đầu bơm, 40m ống nhựa, thu giữ 153 m3 và xử phạt số tiền 860 triệu đồng.
Người dân cho rằng, việc tuần tra xử phạt đối với hành vi bơm hút cát trái phép như hiện nay giống như “bắt cóc bỏ dĩa”. Tình trạng bơm hút cát dường như vẫn hoạt động công khai, các tàu ghe hoạt động suốt đêm. Do lợi nhuận từ việc bơm hút cát là quá lớn, do đó những đối tượng này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng: Các đối tượng bơm hút cát trái phép trên sông hoạt động ngày càng tinh vi. Những đối tượng này thường hoạt động khai thác vào đêm khuya, thời gian khai thác nhanh và chúng luôn cử người cảnh giới lực lượng chức năng.
Khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra, những đối tượng này thường rút luồng, nhấn chìm ghe sau đó nhảy xuống sông bỏ trốn. Nhiều nhóm đối tượng còn chuẩn bị hung khí để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng việc trục vớt các ghe bơm hút cát do các đối tượng nhấn chìm dưới sông gặp nhiều khó khăn do hiện nay chưa có lực lượng trục vớt chuyên ngành. Trong khi thuê lực lượng trục vớt bên ngoài thường bị các đối tượng đe dọa dẫn đến lực lượng này không dám làm.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng, hiện nay quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung mang tính răn đe, nhưng chưa có điều khoản chuyển tiếp từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự các đối tượng khai thác khoáng sản không phép.
Do đó, các hoạt động khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn tỉnh mặc dù bị bắt quả tang và xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vì lợi nhuận cao trong việc khai thác cát trái phép, nên các đối tượng này vẫn tái diễn.