Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia: Bài toán giữa bảo tồn và phát triển?

ThienNhien.Net – Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh khuyến cáo, việc xây dựng các dự án trên bán đảo Sơn Trà ảnh hướng đến môi trường sống của loài vọoc chà vá chân nâu, đẩy loài voọc trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục da dạng sinh học ở cấp nhà trường và đặt bài toán cân đối giữa bảo tồn và phát triển…

Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện năm APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: GreenViet.

Đó là chia sẻ của ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) với Báo Lao Động trước thực trạng nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng được cấp phép trên Bán đảo Sơn Trà, gây tác động xấu tới các loại động thực vật nơi đây.

Vọoc chà vá chân nâu. Ảnh: GreenViet

Việc xây dựng các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà sẽ tác động thế nào đến môi trường sống của hệ động thực vật trong đó có loài vọoc chà vá chân nâu nơi đây?

– Ông Trần Hữu Vỹ: Việc xây dựng các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong KBTTN Sơn Trà sẽ làm giảm diện tích rừng tự nhiên, chia cắt sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã và đặc biệt quần thể vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, dẫn đến việc thiếu nguồn thức ăn, thiếu sự giao lưu của các đàn.

Cạnh đó, việc xây dựng các dự án này cũng dẫn đến sự cạnh tranh và xung đột về nguồn nước, vì khi xây dựng các công trình phục vụ khu nghỉ dưỡng thường tiến hành trồng thay thế cây không phải là cây bản địa ở Sơn Trà.

Các công trình xây dựng cũng gây ra sự ồn ào, nguồn điện chiếu sáng và tần suất con người xuất hiện cũng có khả năng gây stress, thay đổi tập tính sinh hoạt tự nhiên của loài, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tuổi thọ của loài.

Qua công tác nghiên cứu theo dõi loài vọoc chà vá chân nâu trong nhiều năm, xin cho biết loài động vật này phải thay đổi thói quen sống như thế nào để thích nghi trước sự tác động thô bạo của con người tới rừng Sơn Trà?

– Vọoc chà vá chân nâu phải xuống đất để di chuyển qua các khoảnh rừng bị chia cắt nên có nguy cơ bị mắc bẫy và tai nạn cho loài. Năm 2015, kiểm lâm đã tháo hơn 1,000 dây bẫy ở bán đảo Sơn Trà, một con khỉ cũng bị xe tông chết

Voọc chà vá chân nâu đã phải chuyển dịch khu vực sống dần dần sang phía Bắc của bán đảo Sơn Trà (từ Tiên Sa đến Suối Ôm, Hố Sâu) bởi mảng rừng Sơn Trà ở đây vẫn đang ít tác động đến loài vọoc chà vá chân nâu.

Một số đàn vọoc chà vá chân nâu đã dạn với sự xuất hiện của con người, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ dễ bị săn bắn nếu chúng ta không kiểm soát tốt các đối tượng ra vào khu bảo tồn.

Môi trường sống của voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà đang bị thu hẹp đáng kể. Nguồn: Internet.

Người dân và cơ quan quản lý nhà nước đã hiểu rõ về công tác nghiên cứu, bảo tồn vọoc chà vá chân nâu chưa? Chúng ta cần làm gì để cứu vọoc chà vá chân nâu trong tương lai?

– Người dân và cơ quan chuyên môn vẫn chưa hiểu biết công tác nghiên cứu các loài động, thực vật hoang dã ở Sơn Trà, đặc biệt là quần thể vọoc chà vá chân nâu đang sống ở đây.

Cùng với đó, sự hiểu biết, tương tác, cảm nhận và tình cảm của con người với động vật hoang dã vẫn còn chưa đủ để thôi thúc hành động bảo vệ loài của đại đa số bộ phận người dân ở Đà Nẵng.

Chúng ta cần thúc đẩy để tạo Sơn Trà thành nơi học tập, nghiên cứu, đặc biệt cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ, để các thế hệ yêu quý và hiểu hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như vai trò của rừng, đa dạng sinh học. Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tục truyền thông và đưa giáo dục đa dạng sinh học vào các cấp của trường học.

Xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên bán đảo Sơn Trà ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ động, thực vật nơi đây.

– Có ý kiến cho rằng, chủ trương của Chính phủ về việc đưa bán đảo Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia trong năm 2020 sẽ giúp công tác nghiên cứu, bảo tồn loài voọc tốt hơn? GreenViet đánh giá gì về thông tin này?

– Chúng tôi chỉ trả lời về góc độ chuyên môn thì đây là một thách thức nhiều hơn là thuận lợi và rõ ràng đặt ra bài toán xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Năm 1977, bán đảo Sơn Trà là một khu bảo tồn thiên nhiên (4,439ha), đến năm 2008 KBTTN còn 2,591ha. Năm 2016, quy hoạch khu du lịch thành 1,056ha và phục vụ chính cho đầu tư các dự án phát triển về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

– Xin cảm ơn!

Nguồn: