Ngành hàng không hướng tới tài trợ cho các sáng kiến bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Các sáng kiến bảo vệ và khôi phục rừng đến nay còn thiếu vốn trầm trọng, trong khi tình trạng phá rừng vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Mỗi năm, thế giới mất đi hơn 76.000 km2 rừng tự nhiên, tương đương với diện tích 48 sân bóng/phút. Từ năm 1990, diện tích rừng toàn cầu đã thu gọn lại chỉ còn bằng diện tích của Nam Phi. Trước thực trạng trên, ngành hàng không đã bắt đầu có những bước tiến tới mô hình tăng trưởng xanh, giúp hỗ trợ những nỗ lực bảo vệ rừng hiện tại.

Nếu được coi là một quốc gia thì ngành hàng không sẽ nằm trong top 10 quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất thế giới, vì theo các nhà khoa học, phát thải trên không trung thậm chí gây ra nhiều tác động hơn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chưa kể, dân số tăng cũng kéo theo sự gia tăng của nhu cầu đi lại bằng đường không. Ước tính, hãng hàng không sẽ phục vụ thêm 56.000 hành khách trong vòng 25 năm tới. Do đó, phát thải từ ngành này được dự đoán sẽ tăng vọt trong những năm tới và có thể sẽ tăng gấp 3-4 lần vào năm 2040.

Năm 2013, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã tự nguyện ký kết vào một tuyên bố cam kết hạn chế phát thải tối đa vào năm 2020, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn phát thải CO2 đầu tiên dành cho ngành hàng không. Mặc dù ngành này đã bắt đầu thực thi các biện pháp giảm thiểu carbon và vận hành hiệu quả hơn, hiệu quả giảm thiểu chỉ thực sự rõ ràng khi hàng loạt máy bay tiết kiệm nhiên liệu mới sẽ được đưa vào sử dụng. Phải mất rất nhiều năm mới có thể nâng cấp máy bay trên toàn cầu, và thậm chí ngay cả sau khi đã có những cải thiện ban đầu về hiệu quả vận hành và kĩ thuật, các nhà khoa học dự đoán lượng khí thải trong giai đoạn 2020-2040 vẫn vượt quá khoảng 7,8 tỷ tấn.

Chính vấn đề này lại làm nảy ra cơ hội để tăng nguồn vốn cho công tác bảo vệ rừng toàn cầu. Để có thể giảm bớt lượng phát thải dự kiến, hội đồng ICAO hồi tháng 10 vừa qua đã họp mặt tại Montreal để đưa ra quyết định về một giải pháp toàn cầu nhằm đảm bảo rằng ngành hàng không đạt tới mục tiêu dừng phát thải tại ngưỡng năm 2020, và duy trì phát triển phi carbon vào những năm tiếp theo. Theo đó ngành này sẽ chuyển nguồn vốn cho các dự án bảo tồn giúp ngăn chặn phá rừng và hồi sinh những khu rừng bị suy thoái. Bằng cách chi trả cho các phương pháp bảo tồn tiêu chuẩn đã biết như REDD, ngành hàng không có thể đạt một bước tiến lớn trong nỗ lực góp phần vào tham vọng khí hậu trong Hiệp định Paris 2015.

Hồng hoàng mỏ cát là một loài chim lớn cực kì nguy cấp, sống tại rừng mưa nhiệt đới trên bán đảo Mã Lai, Sumatra và đảo Borneo. (Ảnh: Doug Janson, Wikimedia Commons)

Một số đơn vị phản đối cho rằng những sáng kiến tín dụng carbon chỉ càng mở đường các doanh nghiệp tiếp tục gây ô nhiễm, khiến cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu càng trở nên khó khăn. Thế nhưng đứng trước thách thức 7,8 tỷ tấn khí thải và chặng đường còn lại quá ngắn, các hãng hàng không chỉ có thể tìm cách giảm thiểu lượng phát thải từ việc vận hành. Các dự án REDD+ là thực sự cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn nước, sinh cảnh của các loài động vật quý hiếm, cũng như hướng tới đảm bảo sinh kế cho hơn 1,6 tỷ người sống phụ thuộc vào rừng.

Bảo tồn các giá trị tự nhiên cũng chính là hướng đầu tư xứng đáng. Hàng năm, khách du lịch chi trả hơn 200 tỷ USD đến các quốc gia là thị trường mới nổi, góp phần gia tăng đáng kể các chuyến bay. Trong khi chính các thị trường mới nổi này cũng là các quốc gia chịu nhiều rủi ro về rừng và môi trường sống tự nhiên. Tổng Giám đốc Unilever, ông Paul Polman đã từng ước tính các thảm họa thiên tai, trong đó phần nhiều có liên quan đến biến đổi khí hậu, sẽ gây thiệt hại khoảng 300 triệu USD hàng năm cho các công ty đa quốc gia. Ông khẳng định, phá rừng chính là một trong những thách thức lớn nhất, quan trọng và cấp bách nhất trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu.

Cháy rừng than bùn tại Riau, Indonesia. Rừng mưa nhiệt đới vốn rất hiếm khi cháy, nay thường xuyên bị đe dọa bởi những ngọn lửa khi khí hậu ngày một biến đổi. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Chính vì vậy, bù đắp lượng khí thải từ hàng không bằng cách đầu tư bảo tồn rừng là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất giúp giảm thiểu ô nhiễm, đi kèm với các chiến lược giảm phát thải trong dài hạn. Các cơ chế như REDD có thể không phải là hoàn hảo, nhưng nguồn vốn dành cho các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay là đáng cân nhắc hơn là nhìn vào những hạn chế của sáng kiến này, đặc biệt trong bối cảnh những lựa chọn hiện có. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành hàng không chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng xanh, giảm chi phí vận hành vì một thế giới bền vững.

Đan Khuê/ Theo Mongabay