ThienNhien.Net – Khác với tổng thống Mỹ đương nhiệm, phát triển năng lượng sạch luôn là một trong những ưu tiên của ông Barack Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Kế hoạch năng lượng sạch công bố hồi tháng 8/2015 của ông được coi là bước đi lịch sử và mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi lẽ các nhà máy điện hiện là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Mỹ. Ngay trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama vẫn trăn trở với chiến lược phát triển năng lượng. Với bài viết “Xu hướng không thể đảo ngược của năng lượng sạch” ông đã đưa ra những luận điểm, bằng chứng khoa học và thực tế chứng minh tầm quan trọng và xu hướng không thể thay đổi của lượng sạch với người dân Mỹ, nước Mỹ và cả nhân loại. Dưới dây là nội dung bài viết của ông:
Khu vực tư nhân nỗ lực thúc đẩy tách rời việc giảm phát thải và phát triển kinh tế
Khí thải Carbon Dioxit (CO2) và các khí nhà kính (KNK) khác do các hoạt động của con người đang khiến nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng lên, phá vỡ các quy luật của thời tiết và gia tăng quá trình axit hóa đại dương. Nếu không được kiểm soát, việc phát thải khí nhà kính tăng dần đều hiện nay có thể khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 4oC hoặc hơn vào năm 2100 và gấp 1,5 đến 2 lần ở một số khu vực giữa lục địa và gần cực bắc nước Mỹ. Chúng ta đều đã biết rằng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và đáng lo ngại, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh luận về hướng đi đúng đắn cho chính sách biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ – đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi Tổng thống hiện nay. Nhưng hãy đặt vấn đề chính trị ngắn hạn qua một bên, những bằng chứng kinh tế và khoa học đang dần chất núi khiến tôi tin rằng xu hướng hướng tới một nền kinh tế năng lượng sạch đã trỗi dậy trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi sẽ tiếp diễn và các cơ hội kinh tế để khai thác xu hướng này cho đất nước chúng ta sẽ ngày càng tăng. Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào bốn lý do khiến tôi tin rằng xu hướng năng lượng sạch là không thể đảo ngược.
Hơn nữa, những ước tính này không bao gồm khả năng khí nhà kính dẫn đến các thảm họa tự nhiên, chẳng hạn như diện tích Greenland hay bề mặt băng ở Nam Cực suy giảm nhanh chóng, những thay đổi mạnh mẽ của các dòng hải lưu hay lượng lớn khí nhà kính thoát ra từ đất và trầm tích từng đóng băng trước đó sẽ đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, những ước tính này mới tính đến thiệt hại kinh tế nhưng chưa trả lời câu hỏi quan trọng là liệu mức phát triển kinh tế (chứ không chỉ mức GDP) có bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hay không. Vậy nên những nghiên cứu này có thể ước tính sai một khoảng đáng kể về thiệt hại mà biến đổi khí hậu có thể gây ra với nền kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Vì vậy, càng ngày càng rõ ràng rằng, bất kể những bất ổn vốn có trong mô hình dự báo khí hậu, thời tiết ra sao, những khoản đầu tư cần thiết để giảm phát thải – để tăng tính bền vững và chuẩn bị sẵn sàng cho những ảnh hưởng không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu – sẽ là khiêm tốn hơn nhiều so với lợi ích sẽ đạt được từ việc tránh các tổn thất của biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là, trong những năm tới, các tiểu bang, địa phương, và các doanh nghiệp cần phải tiếp tục đầu tư các khoản quan trọng này, cùng với việc thông tin về các rủi ro khí hậu cho người nộp thuế, chủ đầu tư, cổ đông và khách hàng. Các doanh nghiệp bảo hiểm toàn cầu và tái bảo hiểm đã thực hiện các điều trên và các mô hình phân tích của họ cho thấy các nguy cơ khí hậu ngày càng gia tăng.
Giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực tư nhân
Bên cạnh kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy rằng giảm khí thải không chỉ tốt cho môi trường mà còn tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng và đem lại lợi tức cho các cổ đông.
Có lẽ ví dụ thuyết phục nhất là hiệu suất năng lượng. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư cũng như thúc đẩy các sáng kiến tăng hiệu suất năng lượng. Chính quyền trong nhiệm kỳ của tôi đã thiết lập (i) các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu đem lại lợi ích ròng mà theo dự kiến sẽ cắt giảm được hơn 8 tỷ tấn ô nhiễm carbon trên vòng đời các xe hơi bán giữa 2012 và 2029 và (ii) 44 tiêu chuẩn thiết bị và mã xây dựng mà theo dự kiến sẽ cắt giảm 2,4 tỷ tấn chất thải carbon và tiết kiệm cho người tiêu dùng 550 tỷ USD tính đến năm 2030.
Rốt cuộc, các công ty tư nhân cũng đang thực hiện các khoản đầu tư để cắt giảm lãng phí năng lượng nhằm tiết kiệm và chuyển đầu tư vốn vào các lĩnh vực, khu vực khác. Lấy ví dụ như Alcoa đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020 so với năm 2005; và cùng trong khoảng thời gian này, General Motors đang nỗ lực giảm 20% lượng tiêu thụ năng lượng của họ so với năm 2011. Những khoản đầu tư như thế này đang đóng góp cho nền kinh tế Mỹ: Tổng năng lượng tiêu thụ năm 2015 giảm 2,5% so với năm 2008, trong khi kinh tế đã tăng trưởng hơn 10%.
Những quyết định như thế của doanh nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn có khả năng tạo ra công ăn việc làm với mức lương tốt. Một báo cáo mới đây của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết khoảng 2,2 triệu người Mỹ đang làm việc trong các ngành như thiết kế, lắp đặt và sản xuất các sản phẩm và dịch vụ nâng cao hiệu suất năng lượng. Trong khi đó chỉ 1,1 triệu người Mỹ đang làm các công việc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Các chính sách nhằm tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất năng lượng có thể chi trả cho lượng lớn nhân công và đi theo logic kinh tế hơn là tiếp tục chi 5 tỷ USD liên bang mỗi năm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch – một sự méo mó của thị trường cần được chính nó khắc phục hoặc bằng cải cách thuế doanh nghiệp.
Các động lực thị trường trong ngành điện
Ngành điện của Hoa Kỳ – nguồn thải khí nhà kính lớn nhất của nền kinh tế – đang thay đổi, một phần không nhỏ là do biến động thị trường. Năm 2008, khí tự nhiên chiếm khoảng 21% nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện. Hiện tại, nó chiếm khoảng 33%, phần tăng gần như toàn bộ do chuyển đổi từ than phát thải cao sang khí tự nhiên phát thải thấp, bên cạnh thực tế là nguồn cung khí tự nhiên rẻ hơn nhờ các kỹ thuật sản xuất mới. Dù chính sách ngắn hạn của chính phủ có thay đổi ra sao thì xu hướng này có vẻ sẽ không thay đổi trong tương lai vì chi phí sản xuất điện bằng khí được dự báo sẽ tiếp tục rẻ hơn than; xây nhà máy điện than tốn kém hơn nhiều so với nhà máy điện khí. Tuy khí methane thải ra từ sản xuất khí tự nhiên là một mối lo ngại, các công ty vẫn có động lực dài hạn để tiến hành các biện pháp xử lý chất thải phù hợp với các tiêu chuẩn mà chính quyền trong nhiệm kỳ của tôi đã đưa ra và các tiểu bang sẽ tiếp tục đạt các tiến bộ quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề này.
Chi phí sản xuất điện tái tạo cũng giảm một cách đáng kể từ 2008 đến 2015: chi phí sản xuất điện gió giảm 41%, chi phí lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các mái nhà giảm 54% và chi phí sử dụng pin năng lượng trời mặt đất giảm 64%. Theo Báo Bloomberg New Energy Finance, năm 2015 là năm kỷ lục về đầu tư năng lượng sạch với các khoản đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu gấp đôi so với nhiêu với nhiên liệu hóa thạch.
Các chính sách công – từ chính sách đầu tư trong Đạo luật Phục hồi (Recovery Act) cho đến việc mở rộng tín dụng thuế gần đây – đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng các tiến bộ công nghệ và các động lực thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Chi phí sản xuất điện từ các nguồn tái tạo như gió và năng lượng mặt trời ở một số khu vực của nước Mỹ đã thấp hơn chi phí than đá, chưa tính đến các khoản trợ cấp cho năng lượng tái tạo.
Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hướng tới đầu tư cho năng lượng sạch. Đơn cử, tháng trước Google vừa thông báo kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động của họ trong năm 2017 – đa phần là các hợp đồng mua trực tiếp năng lượng tái tạo quy mô lớn và dài hạn. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ, cũng đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong năm tới. Và nếu xét cả nền kinh tế, thì năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang cung cấp việc làm cho 360.000 người dân Mỹ, trong khi điện than chỉ cung cấp khoảng 160.000 việc làm.
Ngoài các động lực thị trường, các chính sách cấp bang sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch. Các bang chiếm 40% dân số Hoa Kỳ đang tiếp tục với các kế hoạch năng lượng sạch; và xu hướng này cũng đang lan rộng ra các bang khác. Năng lượng gió đã chiếm 12% tổng sản lượng điện của Texas năm 2015. Tại một số thời điểm trong năm 2015, con số đó thậm chí có lúc lên tới hơn 40%, và gió cũng là nguồn cung cấp 32% tổng lượng điện năm 2015 ở Iowa, tăng từ 8% vào năm 2008 (khác biệt lớn hơn tất cả các bang khác).
Xu hướng giảm phát thải trên toàn cầu
Bên ngoài biên giới nước Mỹ, các quốc gia khác và doanh nghiệp của họ cũng đang hướng tới phía trước, tìm kiếm cơ hội để dành lấy lợi ích quốc gia trong cuộc đua năng lượng sạch. Điều này trước đây không hẳn lúc nào cũng đúng. Chỉ một thời gian ngắn trước đây thôi, nhiều người tin rằng chỉ một số nền kinh tế tiên tiến mới có trách nhiệm cắt giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tại cuộc họp tại Paris, các quốc gia đã thống nhất rằng tất cả các nước đều cần đưa ra các chính sách khí hậu có tính tham vọng và chịu trách nhiệm về tính minh bạch và chính xác của những cam kết. Đây là một sự thay đổi cơ bản trên phương diện ngoại giao, và nó đã mang lại lợi ích rõ dệt. Hiệp định Paris mới chính thức có hiệu lực chưa đầy một năm mà trong cuộc họp tiếp theo vào mùa thu năm vừa rồi ở Marrakesh, với 110 quốc gia phát thải hơn 75% khí thải toàn cầu tham gia Hiệp định Paris, đã đồng ý rằng, các hành động chống biến đổi khí hậu là “xu hướng không thể đảo ngược”.
Tuy nhiều hành động thực chất cần được thực hiện trong những thập kỷ tới mới có thể đạt được tầm nhìn của Hiệp định Paris, các phân tích đóng góp của từng quốc gia cho thấy nếu như các quốc gia cùng đạt được các mục tiêu đặt ra trước mắt và tiếp tục đưa ra các chính sách tham vọng hơn trong các năm tới đây – cộng thêm với đầu tư tăng dần trong công nghệ năng lượng sạch – thì xác suất các quốc gia có thể hạn chế quá trình ấm lên toàn cầu ở mức 2oC lên tới 50%.
Nếu như Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định Paris, chúng ta sẽ mất vị thế để yêu cầu các quốc gia khác tuân thủ các cam kết của họ, mất quyền yêu cầu sự minh bạch rõ ràng, hay khuyến khích các chính sách đầy tham vọng. Điều này không có nghĩa là chính quyền tiếp theo cần phải đi theo các chính sách đối nội y hệt như chính quyền trong nhiệm kỳ của tôi. Có nhiều con đường cũng như cơ chế mà chúng ta có thể đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra trong Hiệp định Paris một cách hiệu quả và kinh tế. Hiệp định Paris được dựa trên một cơ chế mà mỗi quốc gia tự đặt ra và cập nhật các cam kết của mình. Dù chính sách đối nội của Hoa Kỳ có thay đổi ra sao đi chăng nữa thì cũng đi trái với lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ nếu chúng ta bỏ qua cơ hội yêu cầu các nước đóng góp vào việc giảm 2/3 tổng khí thải toàn cầu – bao gồm, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, thành viên của Liên Minh Châu Âu và một số nước khác.
Đây không phải là vấn đề đảng phái. Nó là cơ hội kinh doanh và kinh tế tốt để dẫn đầu một cuộc cách mạng công nghệ và xác định xu hướng thị trường. Thiết lập mục tiêu giảm khí thải dài hạn là một kế hoạch thông minh và trao cho các công ty, các doanh nhân và nhà đầu tư một sự đảm bảo để đầu tư và sản xuất các công nghệ giảm khí thải mà chúng ta có thể áp dụng trong nước cũng như xuất khẩu đi khắp thế giới. Đó là lý do hàng trăm công ty lớn – bao gồm các công ty làm về năng lượng từ ExxonMobil và Shell, DuPont và Rio Tinto, đến công ty năng lượng như Berkshire Hathaway, Calpine, Công ty Khí và Điện Pacific – đều đã ủng hộ Hiệp định Paris, và các nhà đầu tư hàng đầu đã cam kết 1 tỷ USD vốn để phát triển đột phá năng lượng sạch nhằm hướng đến những tham vọng lớn hơn nữa.
Kết luận
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chúng ta lâu nay đã biết rằng, tính cấp thiết của việc hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là sự thật và không thể bỏ qua. Trong những năm gần đây, chúng ta cũng đã thấy những mô hình kinh tế hành động (và chống lại sự không hành động) một cách rõ ràng: các mô hình kinh doanh năng lượng sạch tăng lên và xu hướng tiến tới một ngành năng lượng sạch hơn có thể được duy trì bất chấp các chính sách ngắn hạn của liên bang.
Mặc dù tôi không chắc chính sách của Hoa Kỳ sẽ thay đổi ra sao, nhưng tôi tin rằng không có nước nào phù hợp hơn Hoa Kỳ để đương đầu với những thách thức khí hậu và gặt hái những lợi ích của một tương lai ít carbon hơn. Và tôi tin rằng việc tiếp tục tham gia trong tiến trình của Hiệp định Paris sẽ mang lại lợi ích lớn cho công dân Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Các chính sách cần thiết trong nhiều thập kỷ tới của Hoa Kỳ cần ưu tiên giảm carbon trong ngành năng lượng, lưu giữ carbon và giảm khí thải trên đất Mỹ, cũng như giảm các khí thải khác ngoài CO2.
Tất nhiên, một trong những điểm ưu việt lớn nhất của hệ thống chúng ta là mỗi Tổng thống đều có thể vạch rõ chính sách riêng của mình. Và Tổng thống Đắc cử Donald Trump cũng sẽ có cơ hội này. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch, các thành quả khoa học và kinh tế mới nhất sẽ cung cấp một chỉ dẫn hữu ích về những gì mà tương lai có thể mang lại, trong nhiều trường hợp là độc lập với các lựa chọn chính sách ngắn hạn.
Tác giả: Barrack Obama, Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Washington, DC 20500, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.