Xâm nhập mặn lại đe dọa ĐBSCL

ThienNhien.Net – Ở các địa phương vùng cửa sông, độ mặn xuất hiện dao động từ 1,1‰ đến hơn 4‰, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.

Từ cuối tháng 2-2017 đến nay, một số nơi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang…, hiện tượng xâm nhập mặn đã xuất hiện.

Nhiều diện tích sản xuất ở ĐBSCL đang bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập (Ảnh: Duy Nhân)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do nước ngọt ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về thấp, mực nước biển cao dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ngay từ đầu năm. Ở các địa phương vùng cửa sông, độ mặn xuất hiện dao động từ 1,1‰ đến hơn 4‰, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa, chăn nuôi và nguồn nước sinh hoạt của người dân. Trước đó, vụ sản xuất lúa đông xuân 2016 của Bạc Liêu thiệt hại trên 1.300 ha; vụ lúa hè thu thiệt hại trên 20 ha; nuôi trồng thủy sản cũng thiệt hại hơn 1.500 ha…

Tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre…, hạn và xâm nhập mặn cũng xuất hiện, lấn sâu vào nội đồng. Nhằm thích ứng với hạn, mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt, nhiều địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để nạo vét các tuyến kênh nội đồng, dự trữ nước ngọt lúc mặn lên…

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định trong tháng 3-2017, độ mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, cách cửa sông từ 25 km đến 35 km. Riêng vùng cách cửa sông từ 35 km đến 45 km, mặn 4‰ xuất hiện lúc triều cường. Tháng 5, nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông còn cao hơn và có khả năng kéo dài đến tháng 6.

Theo Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ĐBSCL ở cuối nguồn sông Mê Kông và có tổng diện tích khoảng 4 triệu ha. Phần lớn diện tích đất tự nhiên đều cao hơn mực nước biển khoảng 1 m với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt nhưng thiếu công trình kiểm soát mực nước cũng như trữ nước. Chính vì vậy, phần lớn lượng dòng chảy vào mùa khô (khoảng từ 40 tỉ đến 50 tỉ m3) đều đổ ra biển, trong khi lượng nước lấy được để phục vụ sản xuất và sinh hoạt chiếm tỉ lệ nhỏ. Dòng chảy về ĐBSCL thường xuyên thiếu hụt nên xâm nhập mặn tăng cao và thiếu nước phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Tổng cục Thủy lợi cho biết cuối tháng 2, các cửa sông thuộc khu vực ĐBCSL đã bị mặn xâm nhập từ 35 km đến 45 km và duy trì trong 1-2 ngày. Dự báo, mức độ xâm nhập mặn tương tự sẽ tái diễn vào tháng 4. Nhìn chung, tình hình xâm nhập mặn của năm nay sẽ ít gay gắt hơn so năm 2016 nhưng cần đề phòng những diễn biến bất thường có thể xảy ra.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, dòng chảy vào Việt Nam thuộc thủy phận tỉnh An Giang có xu hướng giảm, dẫn đến thách thức về thiếu hụt dòng chảy vào ĐBSCL. Ngoài ra, nước thượng nguồn về giảm sẽ dẫn đến không đủ lưu lượng đẩy mặn và nước mặn sẽ xâm nhập sâu nội đồng.

Thủ phạm: El Nino, đập thủy điện

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trong các năm 2015, 2016, ĐBSCL đã đối mặt những điều tồi tệ nhất trong lịch sử là hạn hán và xâm nhập mặn. Tháng 2-2016, phạm vi xâm nhập đất liền của độ mặn 4 g/l (mức ảnh hưởng tới cây lúa) ở ven biển Tây (trên sông Cái Lớn) là từ 60-65 km, khu vực sông Vàm Cỏ 90-93 km, khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền 45-65 km, khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu 55-60 km.

“Hiện tượng El Nino và lưu trữ nước trong mùa khô của các đập thủy điện trên thượng nguồn được coi là những lý do chính gây ra hạn, mặn tại ĐBSCL. Do lượng nước sông Mê Kông từ thượng nguồn giảm trong khi xâm nhập mặn lại tăng nên khu vực trồng lúa đông xuân ven biển giảm đáng kể” – ông Tuấn lo ngại.

C.Linh