ThienNhien.Net – Những năm gần đây, đồng bào Ra Glai ở tỉnh Ninh Thuận tích cực thực hiện nhiều mô hình sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất trồng lúa năng suất kém sang trồng các loại cây ngắn ngày như mía, bắp, đậu xanh… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,6 đến 1,8 lần so với trồng lúa. Với cách làm này, đồng bào không còn bỏ hoang đất và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi trở lại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua. Nếu trước đây, mảnh ruộng năm sào (5.000 m2) chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa của gia đình chị Trà Văn Thị Gái thường bỏ hoang do thiếu nước tưới thì nay đang có mầu xanh tươi tốt của cây đậu xanh. Phấn khởi trước một mùa bội thu, chị bộc bạch: “Mấy năm qua, nắng mưa bất thường, cho nên mình không muốn trồng lúa nữa. Nhờ cán bộ xã chỉ cách, mình chuyển sang trồng cây đậu xanh, vừa rồi cán bộ xã cho biết, khi thu hoạch, Công ty Giống cây trồng Nha Hố sẽ bao tiêu hết sản phẩm. Mình vui lắm”.
Cùng đi thăm những diện tích đang chuyển đổi sản xuất, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hà Tà Yên Khét cho biết, khi triển khai thực hiện chủ trương của địa phương, bà con Ra Glai được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật trồng. Đến nay, toàn xã đã chuyển hơn 100 ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng cây đậu xanh. Cây đậu xanh sinh trưởng tốt, năng suất bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ha/vụ, giá từ 23 đến 25 nghìn đồng/kg, bà con thu nhập cao gấp 1,6 lần so với trồng lúa, cho nên rất hăng hái ra đồng kiểm tra sâu bệnh và tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc để bảo đảm năng suất…
Tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, anh Katơr Nhí là một trong những người tích cực chuyển đổi sang trồng mía trên vùng đất gò đồi. Đây là vụ thứ hai anh Nhí trồng năm sào mía nguyên liệu. Khi tham gia mô hình, được địa phương hỗ trợ giống, vật tư, chi phí làm đất và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từng khâu trong suốt quá trình sản xuất. Anh nói: “Năm ngoái, mình lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ này, dự tính thu hoạch hơn 20 tấn, nếu Công ty mía đường Phan Rang bao tiêu ổn định với giá như năm trước, mình có lãi nhiều rồi”.
Bình quân, mỗi héc-ta trồng mía cho thu hoạch 50 tấn mía cây/vụ. Nhờ chuyển đổi sang trồng mía làm nguyên liệu mà nhiều hộ Ra Glai ở Phước Chiến có thu nhập ổn định từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sau thu hoạch, bà con còn tận dụng ngọn và lá cây mía làm thức ăn để vỗ béo bò. Xã Phước Chiến đang tiếp tục vận động bà con chuyển đổi hơn 20 ha đất rẫy đang trồng sắn, bắp sang trồng mía để nâng cao thu nhập. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Pa tâu A xá Ngoan, với địa phương còn nhiều hộ nghèo và đất sản xuất ít, xã định hướng cho bà con trồng một số cây chịu hạn như: mía, keo lai, mít, điều ghép. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ bà con trồng bưởi da xanh, chuối. Bà con rất tích cực chuyển đổi cây trồng với quyết tâm thoát nghèo.
“Từ mô hình trồng mía đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở vùng đồng bào Ra Glai tại Ninh Thuận. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đây là định hướng đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế, xã hội ở các xã miền núi theo hướng bền vững” – Phó Chủ tịch UBND xã Pa tâu A xá Ngoan cho biết.
Ngược về huyện Bác Ái, chúng tôi đi thăm những vùng đang chuyển đổi cây trồng ở xã Phước Bình. Nếu trước đây, giống bưởi da xanh thường được trồng ở các tỉnh miền tây, thì giờ đây, gia đình ông Pi Năng Phiên đang trồng thử nghiệm bốn sào trên vùng đất đồi dốc. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, phù hợp với điều kiện canh tác, nên cây sinh trưởng tốt. Mới đây, vườn bưởi cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi quả nặng từ 1,5 đến 2 kg, được thương lái thu mua với giá hơn 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 30 triệu đồng. Nhờ tăng thu nhập, ông Pi Năng Phiên có điều kiện lo cho con cái học hành.
Hiện tại, đồng bào Ra Glai ở xã Phước Bình rất chú trọng việc chuyển đổi cây trồng theo hướng phát triển các loại cây đặc thù, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có hơn 800 ha cây bắp lai, gần 500 ha cây ăn trái, 100 ha điều, 20 ha cây cà-phê… Theo anh Huỳnh Long Nhật, cán bộ Ban Phát triển xã Phước Bình, tuy cây bưởi mới đưa vào mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên vùng đồi dốc nhưng mang lại hiệu quả cao. Sau những hộ được chọn trồng thử nghiệm, đến nay có hơn mười hộ trồng và đều tăng thu nhập, cho nên đời sống ngày càng khấm khá.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận Nguyễn Tin, đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả và đất bỏ hoang sang trồng các loại cây thích ứng biến đổi khí hậu, cho thu nhập cao hơn cây lúa từ 1,6 đến 1,8 lần. Đây, không chỉ là giải pháp giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa nâng cao thu nhập mà còn tiết kiệm nước tưới, nâng cao độ phì của đất, tạo việc làm ổn định cho lao động trong những tháng khô hạn. Trong khắc nghiệt và khó khăn của biến đổi khí hậu, chính sự cần cù, chịu khó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp bà con Ra Glai tìm ra các loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.