ThienNhien.Net – Sau sự cố vỡ đập chứa bùn thiếc ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) khiến cá chết hàng loạt, người dân hoang mang, lo sợ nước giếng bị nhiễm độc. Đã có gia đình không dám dùng nước giếng từ sau sự cố mà phải đi xin từ nơi khác. Nguyện vọng tha thiết của họ lúc này là cơ quan chuyên môn về lấy mẫu nước giếng để kiểm tra xem có an toàn không. Thế nhưng, đến nay nguyện vọng chính đáng đó vẫn chưa được đáp ứng.
Chị Lô Thị Dậu (36 tuổi, trú bản Quang Hương, là một trong những hộ dân ở xã Châu Quang có cá chết nhiều nhất) cho biết, từ sau khi phát hiện cá ao của gia đình chết đến nay, do nhà gần suối, sợ nước giếng bị nhiễm độc nên không dám dùng. “Mấy hôm nay chị phải đi về bà ngoại xin nước dùng” – chị Dậu nói.
Do không có nguồn nước nào khác nên nhiều gia đình cũng phải dùng nước giếng của nhà trong cảm giác bất an. Người dân xác nhận chưa thấy đơn vị nào về lấy mẫu nước giếng của gia đình để xét nghiệm, nên đang rất nóng lòng muốn cán bộ lấy mẫu để phân tích xem giếng bị nhiễm độc thế nào. Sáng 15.3, 20 hộ dân đến trụ sở UBND xã Châu Quang nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do cá chết từ Cty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh. Tại đây, rất nhiều ý kiến phát biểu đều bày tỏ lo ngại nguồn nước từ suối, ao, hồ và đặc biệt là trong giếng ăn nhiễm độc kim loại sau sự cố vỡ đập.
Ông Trần Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Châu Quang – cho biết, sau sự cố vỡ đập chứa bùn thiếc đến nay, cơ quan chức năng có về lấy mẫu nước ở ao có cá chết, nước trên suối, trên ruộng chứ chưa lấy mẫu nước trong giếng của dân để xét nghiệm. “Đúng là người dân đang rất lo ngại nguồn nước nhiễm độc từ suối ngấm vào giếng ăn. Chính vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng về lấy mẫu nước giếng cho dân để phân tích xem có bị ô nhiễm hay không để còn khuyến cáo cho dân sử dụng, tránh ảnh hưởng sức khỏe lâu dài” – ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, toàn xã có hơn 2.800 hộ dân với hơn 12.000 khẩu đang hoàn toàn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khơi. Trong đó, người dân chủ yếu là sinh sống dọc theo con suối đã bị nhiễm độc vừa qua phát hiện cá chết. Không riêng gì xã Châu Quang, ngược theo con suối vừa qua phát hiện cá chết còn có xã Châu Cường, Châu Thành cũng chủ yếu sử dụng nước giếng để ăn, uống.
Cũng trong sáng 15.3, tại trụ sở Cty kim loại màu Nghệ Tĩnh (thị trấn Quỳ Hợp), Đoàn công tác Bộ TNMT đã làm việc với Cty này với yêu cầu báo cáo sự cố vỡ đập, công tác khắc phục và cung cấp các hồ sơ pháp lý trong khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thượng Hiền – Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường – Bộ TNMT, Trưởng đoàn công tác – cho biết, trong ngày đoàn sẽ đến kiểm tra hiện trường, sau đó tiến hành lấy mẫu bùn thiếc tại bể chứa bị vỡ, ngoài bể chứa đã trôi xuống suối, lấy mẫu nước trên suối và trong ao của dân có phát hiện cá chết để phân tích.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động, hiện người dân nơi phát hiện cá chết đang lo lắng nước giếng bị nhiễm độc, vậy đoàn có lấy mẫu nước trong giếng của dân để phân tích không? ông Hiền cho biết “Sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, trước mắt lẫy mẫu nước ở ao có cá chết đã, rồi có thể cũng sẽ lấy thêm một vài mẫu nước ngầm nữa để xem nó thế nào”.
Với câu hỏi, lấy mẫu vào thời điểm này có đảm bảo khách quan hay không khi sự cố đã xảy ra một tuần rồi? Ông Hiền cho rằng, kết quả lấy mẫu chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu, nhưng để làm cơ sở so sánh, đối chiếu. Bởi, ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Sở TNMT, Chi cục Bảo vệ môi trường trực tiếp vào hiện trường lấy mẫu.