ThienNhien.Net – Phá rừng và suy thoái rừng thường được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với đa dạng sinh học nhiệt đới, nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng săn bắt động vật hoang dã mới là mối nguy hại thực sự đối với sự sống còn của các loài động vật có xương sống nguy cấp tại Đông Nam Á.
Được đăng tải trên Tạp chí Conservation Biology, báo cáo đánh giá tác động của hoạt động săn bắn đối với quần thể các sinh vật có xương sống trong khu vực thông qua các nghiên cứu khoa học đã có và báo cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ. Qua đó cho thấy, sốlượng các loài động vật đã giảm đáng kể tại đa số khu vực trên khắp Đông Nam Á kể từ năm 1980. Một số loài thậm chí đã bị xóa sổ khỏi chính nơi sinh sống ban đầu.
Theo báo cáo, khu vực nhiệt đới Đông Nam Á (bao gồm Đông Bắc Ấn Độ, bán đảo Đông Dương, Sundaland, Philippine) đang rơi vào cuộc khủng hoảng các loài động vật hoang dã. Hầu hết các khu rừng tự nhiên rộng lớn nay đều đã vắng bóng những loài thú lớn, ngoại trừ một số loài không phải mục tiêu săn bắn. Ước tính, chỉ còn lại 1% diện tích lãnh thổ nhiệt đới châu Á có đủ khả năng bảo toàn nguyên vẹn một hệ động vật có vú. Thế nhưng, các tác giả cho rằng thực tế thậm chí còn tồi tệ hơn thế.
Trả lời phỏng vấn, trưởng nhóm nghiên cứu Rhett Harrison khẳng định các chiến lược bảo tồn hiện tại chưa thực sự đối mặt với thực trạng săn bắn trái phép tràn lan tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, cộng đồng bảo tồn quốc tế quá coi trọng vấn đề thương mại quốc tế, trong khi vấn đề nằm ở việc tiêu thụ trong nước.
Với kinh nghiệm làm việc ở tất cả các quốc gia trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả nhận định nguyên nhân của thực trạng săn bắn quá mức bao gồm: giá thành xe máy và xuồng máy giảm mạnh giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận rừng và các thị trường chợ đen; công nghệ săn bắn nâng cấp với các loại súng hiện đại, bẫy lưới, bẫy mù và đèn; nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã, hay biến động vật hoang dã thành thú cảnh tăng cao, và cuối cùng là thói quen sử dụng các phương thuốc có thành phần từ động vật hoang dã.
Bên cạnh các loài thông thường bị săn bắn để lấy thịt như lợn, chuột, các loài quý hiếm thường có giá cao hơn nên được dành rao bán. Chẳng hạn, hổ và một số loài động vật ăn thịt lớn khác bị giết hại để lấy da, dương vật, xương, tê giác bị giết lấy sừng, voi bị giết lấy ngà, gấu và bò tót bị giết lấy mật, voọc bị giết lấy sỏi túi mật, còn các loại sừng được trưng bầy như chiến lợi phẩm. Việc sử dụng súng ngắn và bẫy có thể khiến mục tiêu săn bắn không dừng lại ở một hay một số loài nào. Và khi số lượng các loài lớn giảm dần, các tay săn trộm bắt đầu ngắm đến các loài nhỏ hơn.
Các tác giả cho rằng, sắn bắn không thể được coi là bền vững ở bất cứ nơi nào trong khu vực, và việc vận hành các khu vực bảo tồn, bảo vệ các loài nguy cấp còn rất yếu kém. Trong khi đó, thất bại của các cơ quan nhà nước và cộng đồng bảo tồn lại nằm ở việc xác định chưa đúng tầm ảnh hưởng của săn bắn quá mức để có thể đưa ra giải pháp chính đáng.
Bên cạnh nỗ lực cải thiện công tác quản lý các khu bảo tồn và thực thi hiệu quả các biện pháp bảo vệ thì các hoạt động bảo tồn cần lôi kéo sự tham gia của chính những tay săn bắn, đồng thời quản lý các quần thể động vật hoang dã thông qua hoạt động săn bắn bền vững. Báo cáo khẳng định, nếu các nỗ lực hiện tại không thay đổi, Đông Nam Á rất có thể sẽ mất đi hầu hết các loài đặc hữu chỉ trong vòng vài năm tới.
Đan Khuê/Theo Mongabay