ThienNhien.Net – Một cảng cá có quy mô đón hàng chục tàu và cả khu dịch vụ hậu cần nghề biển nhưng lại xây dựng trái phép, công khai hoạt động lậu ngay trong lòng Khu kinh tế Hòn La (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Cả chính quyền địa phương lẫn BQL Khu kinh tế Hòn La, cảng vụ, biên phòng… đều biết rõ hành vi xây dựng, hoạt động trái pháp luật này, nhưng lại im lặng một cách bất thường suốt gần 3 năm nay…
Trái pháp luật, nhưng tồn tại nhờ… luật rừng
Theo phản ánh của ngư dân các tỉnh miền Trung, cảng Hòn La là nơi tàu cá ở khu vực Trung Trung Bộ thường xuyên cập bờ để bán thủy hải sản, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, nhằm rút ngắn lộ trình di chuyển trên biển, tiết kiệm nhiên liệu, và tranh thủ được nhiều ngày đánh bắt. Tàu cá các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng thường xuyên cập cảng Hòn La để bán cá, tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, khi vào đất liền lại bị một thế lực ngầm khống chế để thu mua và cung ứng các dịch vụ hậu cần theo ý muốn và giá cả của họ một cách độc quyền. Họ cho biết dưới “chiêu” tiếp thị, mời chào dịch vụ, đầu nậu thủy sản T.V.Th. đã cho tàu ra tận ngoài biển để “bố ráp”, buộc các tàu cá vào cảng của mình. Từ những tố cáo này, PV Báo Lao Động đã tiếp cận hiện trường, phát hiện việc xây dựng cảng cá hoạt động dịch vụ hậu cần nghề biển trái phép.
Cảng cá trái phép của T.V.Th nằm sát eo biển, cách cầu cảng Hòn La chỉ chừng 400m, là vùng biển êm, lặng sóng. Đây là vùng biển thuận lợi cho tàu thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa, thu mua thủy hải sản. Khu vực cảng là một vùng đất đá khổng lồ được đổ lấn biển cả 100m, lại “sát nách” một cầu cảng nước sâu của Nhà nước. Mặt khác, ngoài bãi đá lấn biển đổ cẩu thả, cầu cảng chừng 25m của T.V.Th được xây dựng chắp vá, chẳng theo một quy chuẩn thiết kế nào. Một người dân hoạt động “ăn theo” tại cảng cá này không ngần ngại: “Th nó xây dựng trái phép nên làm lén, toàn đóng cọc, đổ bêtông lén ban đêm nên hình hài loang lổ, chắp vá như vậy. Dưới cầu cảng là các thùng container cũ, được đổ cát vào để cố định, rồi lắp ráp lốp xe cũ, cột caosu cho tàu cập được êm thuận”.
Khi nghe chúng tôi giới thiệu là khách hàng, cần cập cảng, T.V.Th thẳng thắn: “Cảng em trái phép, nên mọi vấn đề pháp lý các anh tự chịu. Nếu vào bốc hàng nhanh thì em được. Dỡ hàng trong 3 -5 tiếng thì giá từ 1,5 – 3 triệu đồng. Nếu vào cảng nhà nước, các anh phải qua các thủ tục nhập – xuất cảnh với hải quan, Bộ đội biên phòng, phải khai báo thủ tục với cảng vụ, hoa tiêu… Không những chi phí cả chục triệu đồng mà rất mất thời gian. Vào cảng em thì mình chỉ tốn một ít chi phí “phải không” để họ làm ngơ thôi. Ở đây lợi nhuận của em chủ yếu từ việc mua hải sản, cung ứng dầu đèn, nước ngọt, đá và “tổn” cho tàu cá thôi”. Mỗi tàu cá kiếm 3 – 4 triệu đồng chứ giá cập cảng thấp”.
Đổ thừa cho… Formosa
Ông Võ Quang Đạt – Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch – thừa nhận, cầu cảng và hoạt động hậu cần nghề biển của T.V.Th là trái phép. Chính quyền đã phối hợp với BQL Khu kinh tế Hòn La lập biên bản, nhưng thẩm quyền giải quyết việc này thuộc cấp cao hơn. Riêng việc các đối tượng cạnh tranh, giành mua giật bán hải sản, cung ứng dịch vụ hậu cần, dẫn đến đánh nhau mất trật tự xã hội thì công an đã xử lý.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, ông Phan Ngọc Duy cho rằng, địa phương đã bàn giao toàn bộ diện tích đất khu vực này cho BQL Khu kinh tế Hòn La, vì vậy, việc để cho cá nhân xây dựng trái phép BQL KKT Hòn La phải chịu trách nhiệm. “Chúng tôi không biết cảng xây dựng trái phép, hoạt động chui, vì khi mở đường ra cảng Hòn La, họ đã móc ngoặc với đơn vị thi công, đổ cả ngàn khối đá lấn biển, rồi lén xây cầu cảng. Huyện đã phối hợp với BQL KKT Hòn La, lập biên bản, yêu cầu dừng ngay hoạt động trái phép, xử phạt hành chính, buộc ông Th nộp phạt 45 triệu đồng, đồng thời phải tự tháo dỡ cảng, trả lại hiện trạng ban đầu từ tháng 3.2016. Tuy nhiên, chưa xử lý dứt điểm thì xảy ra sự cố biển Formosa nên chúng tôi chưa triển khai cưỡng chế vì ở đấy rất nhạy cảm. Nhưng trách nhiệm chính vẫn là đề xuất của BQL KKT Hòn La” – ông Duy nói.
Ngược lại, trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Cảnh Trúc – Phó Trưởng BQL KKT Hòn La lại nói, trách nhiệm chính thuộc về UBND huyện Quảng Trạch. Chủ tịch huyện Quảng Trạch – Phan Ngọc Duy cho rằng không hay biết hoạt động mang tính “bố ráp”, ép mua bán dịch vụ theo kiểu độc quyền tại cảng của T.V.Th, nhưng thấy lạ vì gần khu vực cảng Hòn La, có cảng cá do Sở NNPTNT quản lý, nhưng không hiểu sao tàu cá họ không vào đó?
Đổ thừa cho việc chồng chéo quản lý, chính quyền huyện Quảng Trạch và BQL KKT Hòn La đang chuyền nhau quả bóng trách nhiệm, để rồi cả một cảng cá lẫn khu dịch vụ hậu cần nghề biển xây dựng trái phép, vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động chui. Chỉ có ngư dân phải chịu thiệt.