Làm lơ lệnh đóng cửa rừng

ThienNhien.Net – Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban lệnh đóng cửa rừng vào tháng 6-2016, rừng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá không thương tiếc.

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên hôm 11-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định chủ trương đóng cửa rừng. “Cách đây 1 năm, tôi đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Cũng tại Đắk Lắk này, hôm nay, tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ: Bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương mà còn là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Phá rừng sát… trạm giữ rừng

Thế nhưng, bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 6-2016 đến nay, rừng tự nhiên ở nhiều nơi vẫn tiếp tục bị triệt hạ.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3-2017, chúng tôi đã chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Hàng chục mét khối gỗ còn chảy nhựa được lực lượng chức năng thu gom về gửi ở các trạm giữ rừng của những công ty lâm nghiệp, phần lớn có đường kính 20-30 cm, dài 4-5 m. Dọc 2 bên đường từ xã Ya Lốp đến xã Ia Jơi, huyện Ea Súp, nhiều cây rừng sau khi bị đốn hạ lấy mất phần thân, cành lá còn xanh và gốc còn tươm nhựa. Nhiều gốc cây mới bị chặt được đốt cháy sém để xóa dấu vết.


Rừng tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn bị tàn phá Ảnh: CAO NGUYÊN

Tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Mơ, chỉ trong khu vực khoảng 1.000 m2, chúng tôi đếm được hơn 30 cây gỗ lớn bị đốn trơ gốc. Đặc biệt, cách trạm giữ rừng của công ty này chỉ khoảng 700 m, lâm tặc còn dựng lán trại, đem cưa mâm di động vào tổ chức khai thác như một công xưởng. Sau khi có người phản ánh, lực lượng chức năng mới đến kiểm tra, thu giữ 415 lóng gỗ tròn – tổng cộng gần 33 m3 tập kết về đây chuẩn bị cưa xẻ. Trước cổng UBND xã Ia Jơi, gỗ cũng được tập kết thành những đống lớn dọc 2 bên đường…

Theo Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trước đó, ngày 15-2, tại Tiểu khu 149 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Mơ và Tiểu khu 144 thuộc lâm phần do Làng Thanh niên lập nghiệp quản lý, đoàn kiểm tra đã phát hiện hơn 92 m3 gỗ do lâm tặc khai thác trái phép.

Tại tỉnh Kon Tum, những ngày giữa tháng 2 đầu tháng 3-2017, chúng tôi đã vượt nhiều con dốc cao, hiểm trở để đến khu rừng bị tàn phá ở Tiểu khu 365, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà, huyện Đắk Hà. Hàng loạt cây gỗ lớn ở đây đã bị chặt hạ. Dấu vết để lại là gốc, cành, ngọn và những vết xẻ của cưa máy còn mới nguyên. Một số gốc còn rỉ nhựa tươi, ngọn cành vẫn còn xanh, chứng tỏ cây bị chặt phá chưa lâu.

Ở khu rừng cách trung tâm xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà khoảng 5 km, có nhiều dấu hiệu của một bãi gỗ mới được chuyển đi. Bìa, gốc, mạt cưa mới còn vương vãi khắp nơi. Những gốc cây còn sót lại có đường kính trên dưới 40 cm. Nhiều cành, gốc bị đổ dầu đốt để phi tang cháy nham nhở.

Trước đó, ngày 20-1, lực lượng tuần tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang 2 thanh niên điều khiển một cặp bò kéo gỗ từ trên núi xuống suối Đắk Pơ Kai. Lực lượng chức năng xác định có 2 bãi gỗ với tổng cộng 54 cây, được cắt thành 73 lóng tròn (gần 30 m3). Cả hai bãi gỗ đều thuộc Tiểu khu 174 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah.

Liên tục “chảy máu”

Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình trạng phá rừng phòng hộ ở 2 xã Trà Sơn và Trà Giác, huyện Bắc Trà My (Báo Người Lao Động đã thông tin), ngày 16-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay tại Tiểu khu 761, xã Trà Sơn có 8 cây – 6,793 m3 gỗ bị chặt hạ. Riêng khu vực núi Chóp Nón, xã Trà Giác – nơi rừng bị phá nhiều hơn – vẫn chưa có báo cáo. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam tiếp tục yêu cầu chi cục kiểm tra, báo cáo lại.

Dư luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những kẻ phá rừng để lấy lại niềm tin của người dân. Bởi lẽ, những năm gần đây, năm nào ở Quảng Nam cũng xảy ra vài vụ phá rừng quy mô lớn khiến dư luận hết sức bất bình nhưng ít có vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn, đủ sức răn đe.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2016 đến nay, rừng liên tục bị “xẻ thịt”. Từ khi có lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ đến nay, chi cục đã phát hiện và xử lý trên 350 vụ vi phạm, tịch thu gần 1.000 m3 gỗ.

Mới đây, vào giữa tháng 2-2017, phóng viên đã tiếp cận khu vực rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, tỉnh Quảng Trị và chứng kiến tình trạng lâm tặc ngang nhiên triệt phá cây rừng. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đến thị sát. Đoàn đã xác nhận hàng trăm cây gỗ quý có đường kính 10-65 cm bị lâm tặc đốn trơ gốc. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được đối tượng phá rừng cụ thể.

Mới nắng đã hạn, mới mưa đã lụt

Theo ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, Bộ NN-PTNT đã trình đề án bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên. “Thực tế hiện nay, rừng vẫn đang bị tàn phá nhưng đó chỉ là những vụ phá rừng để lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Hiện nay, nhiều tỉnh cũng xin chuyển đổi rừng để làm các dự án nhưng quan điểm của chúng tôi là cấm tuyệt đối, 1 ha rừng, đất rừng cũng không được chuyển đổi, kể cả các dự án đã được phê duyệt. Mất rừng đã khiến Tây Nguyên hiện nay mới nắng đã hạn, mới mưa đã lụt” – ông Thanh nhấn mạnh.

Trong những năm qua, diện tích, chất lượng rừng tại Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Bộ NN-PTNT, chỉ trong giai đoạn năm 2010-2015, Tây Nguyên bị mất hơn 312.400 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Cũng trong giai đoạn này, trữ lượng rừng Tây Nguyên giảm hơn 25,5 triệu m3, từ 327,5% xuống còn 302%. “Nguyên nhân của việc mất rừng là do bị xâm lấn, phá rừng trái phép, chuyển đổi mục đích ồ ạt, người dân không mặn mà với việc phát triển rừng. Nhiều cơ quan chức năng ở cơ sở chưa quan tâm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyết liệt trong việc bảo vệ rừng…” – Bộ NN-PTNT đánh giá.

Việc suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng của rừng Tây Nguyên đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu; làm gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và nguy cơ hoang mạc hóa trên địa bàn…

Kỳ tới: Ai tiếp tay lâm tặc?