Phá ghềnh đá trên dòng Mê Kông: mở mang hay phá hủy

ThienNhien.Net – Suốt bề dài lịch sử, dòng Mê Kông hùng vĩ đã hút hồn bao du khách với những ghềnh xoáy, những dải cù lao và cồn rải rác. Tuy nhiên, đến nay những ghềnh đá và các dải đá ngầm dưới lòng sông bị cho là đang cản trở hoạt động giao thông thủy trên dòng sông. Và cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học của dòng sông vĩ đại này đang bị đe dọa bởi kế hoạch phá mỏm đá và cù lao để mở đường cho giao thương xuyên biên giới.

Hàng trăm tổ chức phi chính phủ Thái đang vận động chiến dịch cứu lấy những cù lao sinh thái cũng như các ghềnh thác quý giá ở Khon Pi Luang (Ảnh: Tom Fawthrop)

Kế hoạch mở rộng giao thông thủy

Việc chính quyền Thái Lan xúc tiến kế hoạch phá đá ngầm và cù lao trên sông Mê Kông nhằm giúp các tàu hàng từ Trung Quốc di chuyển thuận lợi đang gây phẫn nộ trong giới môi trường.

Kế hoạch phát triển trên dòng Lan Thương – Mê Kông (2015-2025) bao gồm ba bước: khảo sát ban đầu, thiết kế và đánh giá môi trường và xã hội đã được Thái Lan phê duyệt tháng 12/2016.

Theo kế hoạch, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ lập đội khảo sát trên sông Mê Kông trước khi phát triển tuyến đường giao thông thủy để các tàu chở hàng lớn có thể di chuyển từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Luang Prabang, thủ đô cũ của Lào, di sản thế giới cách Vân Nam 630km về phía hạ lưu.

Kế hoạch yêu cầu chính phủ Thái Lan cho nổ mìn phá đá một dải dài 1,6 km dọc sông Mê Kông ở biên giới Lào. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ chưa phê duyệt dự án cho tới khi có kết quả khảo sát và đánh giá tác động môi trường (EIA).

Ảnh chụp (bằng máy điều khiển từ xa) các cù lao ở biên giới Thái-Lào (Ảnh: Shinshiro Kenji Authur).

Các nhà môi trường rất phẫn nộ trước đề xuất dự án này. Bà Painporn Deetes, giám đốc chiến dịch Thái Lan của Tổ chức Sông ngòi Quốc Tế (IR) cho rằng thật là vô lý nếu đánh đổi dòng sông tuyệt vời nhất thế giới, nơi cung cấp nguồn thủy sản nuôi sống hơn 60 triệu người để lấy con đường thương mại vận chuyển hàng hóa trong khi đường bộ có thể đáp ứng điều này.

Các chuyên gia Trung Quốc lại khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy kế hoạch này sẽ gây hại cho hệ sinh thái của con sông. Giáo sư Chu Chân Minh (Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam), chuyên gia về Đông Nam Á, cho rằng những người phản đối nên đợi kết quả nghiên cứu môi trường kỹ càng trước khi đưa ra phán xét. Đối với các hiểm họa tiềm tàng với các loài cá, ông này cho biết đã có nhiều trường hợp phá ghềnh đá và cù lao tương tự ở Vân Nam và chúng đều không gây ảnh hưởng gì lớn.

Tổ chức Sông ngòi Quốc tế không đồng tình với luận điểm trên. Tổ chức này khẳng định các cù lao, ghềnh đá và thủy sản đem lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa: “Ghềnh đá và các dải đá ngầm là môi trường sống ven sông lý tưởng, là khu vực sinh sản và nơi trú ẩn an toàn cho cá. Việc nổ mìn phá các ghềnh đá sẽ đe dọa thu nhập và an ninh lương thực của dân cư ở các khu vực xung quanh”.

Lịch sử dự án

Chiến lược phát triển này bắt nguồn từ năm 1992 khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng chương trình 40 tỉ USD nhằm xây dựng đường cao tốc, lưới truyền tải điện, các đập nước lớn và phát triển du lịch ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

Kế hoạch nạo vét sông để các tàu thương mại di chuyển thuận lợi của Trung Quốc được khởi xướng vào thời điểm ký kết Hiệp định Giao thông thủy thương mại gồm 3 giai đoạn giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan hồi tháng 4/2001 mà không tham khảo ý kiến của Campuchia và Việt Nam.

Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ nổ mìn 11 ghềnh đá và 10 dải đá ngầm ven sông để tàu 100 -150 tấn di chuyển từ Vân Nam đến Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hoạt động nổ mìn bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2002 với sự cho phép của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Tuy nhiên, sau một đánh giá độc lập của Ủy ban Mê Kông (MRC), bản đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc về hoạt động nổ mìn đã bị bác bỏ do thiếu gần như toàn bộ dữ liệu về cá và sinh thái.

Năm 2003, sau khi Bộ Quốc phòng Thái Lan phản đối dự án và khẳng định nếu tiếp tục dược triển khai dự án sẽ phá vỡ đường phân định biên giới Thái-Lào giữa dòng Mê Kông, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch phá đá sau giai đoạn đầu.

Tháng 12/2016, Hiệp định này lại được tái xem xét nhưng chính phủ Thái Lan đề xuất cần có thêm khảo sát.

Tuy các nhà chức trách của Thái Lan nhận định rằng vận chuyển đường sông sẽ giảm chi phí 20% so với đường bộ nhưng Saowaruj Rattanakhamfu, chuyên gia kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan bày tỏ hoài nghi sâu sắc về lợi ích của các dự án này: “Với tư cách một nhà kinh tế, tôi không nghĩ cho nổ đá để phục vụ thương mại trên sông là hợp lý. Chính phủ nên nghiên cứu xem có thật sự nên đầu tư hay không vì dự án này sẽ tác động rất xấu đến những người dân nghèo”.

Các nhà phê bình cũng nhận định Luang Prabang, di sản văn hóa được UNESCO công nhận, khu du lịch sinh thái có sức hút mạnh trong khu vực, sẽ sớm trở thành một tuyến thương mại nhộn nhịp và ô nhiễm của Trung Quốc, phá hỏng không gian yên bình và sự cuốn hút nổi tiếng của nó. Mặc dù vậy cũng có ý kiến cho rằng vận tải phát triển sẽ khiến nơi này thu hút nhiều du khách du lịch và thịnh vượng hơn.

Khủng hoảng trên sông Mê Kông

Nếu vẫn được triển khai, dự án phá đá sẽ là đòn giáng mạnh vào sông Mê Kông, con sông quan trọng nhất Đông Nam Á, đang hứng chịu nhiều hậu quả môi trường tích lũy từ các công trình xây đập lớn.

Một dãy 7 đập của Trung Quốc đã được xây ở thượng nguồn sông Mê Kông. Hai đập khác hiện đang được xây ở hạ lưu, trên lãnh thổ của Lào và dự kiến còn con đập thứ ba trên phần đất Lào, Pak Beng, cũng sẽ được khởi công trong năm 2017.

Thủy văn của dòng sông đã chịu nhiều biến đổi lớn. Nhịp lũ mùa mưa hàng năm bị gián đoạn nghiêm trọng do lưu lượng dòng chảy giảm.

Phù sa, trầm tích bị giữ lại ngày càng nhiều ở sau các con đập, kết quả là không đến được đồng bằng phía hạ lưu ở Việt Nam. Các nhà khoa học cho biết đồng bằng Sông Cửu Long đang vừa bị thu hẹp, vừa bị nhấn chìm dần.

Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2011 nhận định rằng cần trì hoãn 10 năm với tất cả các công trình thủy điện trên sông Mê Kông vì hậu quả của các đập này. Tuy nhiên, sau đó vẫn đã có thêm hai đập lớn tiếp tục được xây dựng ở hạ lưu sông Mê Kông – đập Xayaburi và đập Don Sahong – bất chấp cảnh báo của các nhà khoa học và sự phản đối kịch liệt của cộng đồng dân cư ven sông.

Báo cáo gần đây của WWF cảnh báo rằng việc vội vã xây 11 đập ở hạ lưu sông Mê Kông là một ví dụ điển hình “của phát triển không bền vững, đẩy hệ thống sông đến ‘bờ vực thẳm’.”

Bản đồ sông Mê Kông và các đập trên sông

Dữ liệu của MRC cho thấy nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới của sông Mê Kông là nguồn lợi kinh tế quan trọng của khu vực. Đánh bắt cá ở bốn quốc gia MRC đem lại nguồn thu nhập trị giá 11 tỉ USD (giá trị này lên tới 17 tỉ USD nếu tính cả cá nuôi thả). Cơ chế quản lý lưu vực sông còn nhiều bất cập và chưa hợp lý đang đe dọa an ninh lương thực của 60 triệu người sống quanh khu vực.

Ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 50% lương thực cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia uy tín về quản lý nguồn nước và lưu vực sông lo lắng rằng nếu không thể đảo ngược xu thế hiện tại thì Việt Nam sẽ mất hoàn toàn đồng bằng sông Cửu Long: Nếu cả 11 đập được xây ở hạ lưu sông Mê Kông, Việt Nam sẽ không còn là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vì thiếu trầm tích phù sa. Trong 20-30 năm nữa, đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể dung dưỡng dân số 18 triệu người. Người dân sẽ bị buộc di cư đi nơi khác, dẫn đến nhiều bất ổn và tị nạn môi trường.

Hàng trăm tổ chức phi chính phủ của Thái đang vận động một chiến dịch cứu lấy những cù lao sinh thái cùng những ghềnh thác quý giá ở Khon Pi Luang. Lãnh đạo chiến dịch Niwat Roykaew đã nộp đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) để phản đối quyết định của chính phủ Thái.

Cách duy nhất để các quốc gia Mê Kông cùng tiến bộ và phát triển là phải vượt ra ngoài cái “tâm lý ao nhỏ. Cứ với “cái tâm lý ao nhỏ” thì không thể hiểu được bức tranh lớn của việc chia sẻ tài nguyên nước và tôn trọng cả dòng sông.” Tiến sĩ Trần Đình Thiện, Viện trưởng Viện Kinh tế Hà Nội, bình luận.

Hồng Việt (Theo thethirdpole.net)