ThienNhien.Net – “Cùng với việc tồn lưu chất độc hoá học da cam/dioxin do chiến tranh để lại, theo dự báo, ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường sẽ tiếp tục gia tăng; công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế; biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững.”
Trên đây là 4 thách thức về môi trường mà đang Việt Nam đang phải đối mặt, vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại “Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường,” diễn ra sáng 8/3, tại tỉnh Bình Định.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hà cho biết, hiện nay, môi trường sinh thái và con người tại nhiều khu vực ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tồn lưu chất độc hoá học da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.
Bên cạnh đó, theo dự báo của các chuyên gia, ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm.
“Trong thập niên vừa qua, nhiều sự cố môi trường, trong đó có những sự cố nghiêm trọng đã xảy ra. Chúng tôi nhận thức được rằng, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường diễn ra ở Việt Nam chủ yếu là do hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đất nước chúng tôi đã và đang được thúc đẩy với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao.”
“Trong một chừng mực nào đó, có thể nói có nhiều nơi, nhiều lúc, việc bảo vệ môi trường đã bị xem nhẹ, những nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững đã không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt,” ông Hà nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý tới hiện trạng ô nhiễm xuyên biên giới. “Tuy không phải là nguyên nhân chủ yếu nhưng các loại ô nhiễm xuyên biên giới đã tác động và có nguy cơ tác động ngày càng nhiều hơn đến môi trường sinh thái của Việt Nam,” ông Hà nói.
Thách thức tiếp theo là công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế, do hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, thiếu khả năng dự báo. Bên cạnh đó, nguồn lực về con người, tài chính và cơ chế tổ chức chưa được sắp xếp tối ưu; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ…
“Chắc chắn rằng, năng lực quản lý, ứng phó, thích nghi với môi trường cần phải được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, cho cả các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khoa học kỹ thuật, để có thể đáp ứng với những điều kiện môi trường mới, nhiều biến động như hiện nay,” ông Hà chia sẻ.
Ngoài các thách thức nêu trên, theo ông Hà, biến đổi khí hậu hiện cũng đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh hơn dự báo, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu đã tác động đến môi trường nhiều năm qua và ngày càng rõ nét hơn, thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, hạn hán khắc nghiệt, và đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam.
Theo kịch bản tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Trong tương lai, biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp hơn, trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí…
“Những thách thức về môi trường ấy đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững,” ông Hà nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng lưu ý, để đối mặt và giải quyết các thách thức to lớn về môi trường như vậy, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng…
Tuy nhiên, “để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách quan trọng nói trên, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ hiệu quả của các nhà khoa học trong và ngoài nước để đưa ra được những biện pháp có tính đột phá, tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường do Hội Hoá học và Độc học môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trường Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) và Trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 35 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị này là diễn đàn thuận lợi để các nhà khoa học trình bày kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các nước phát triển và đang phát triển… Trong khuôn khổ Hội nghị này, cũng diễn ra Chương trình hội nghị bàn tròn giữa Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhằm trao đổi thông tin về một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam và thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học quốc tế về bảo vệ môi trường. |