ThienNhien.Net – Trong buổi trao đổi với ông Adam Blight, Giám đốc đối ngoại khu vực châu Á – châu Phi Tập đoàn Monsanto chiều nay (6/3), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ quan điểm thẳng thắn của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững là chú trọng những công nghệ mới và thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường.
Tại cuộc làm việc, ông Adam Blight ngỏ ý muốn lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Monsanto có kinh doanh ngô lai thường và ngô lai công nghệ sinh học, một số sản phẩm thuốc BVTV, một số sản phẩm về vi sinh vật. Tập đoàn đã triển khai mô hình hợp tác công tư tại Thanh Hóa – cung ứng giống ngô, thuốc bảo vệ thực vật…
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Monsanto và cả các quốc gia cần chú trọng tới vấn đề môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, khi đầu tư vào Việt Nam Monsanto cần hướng thêm vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh lớn, nhưng chưa được đề cập trong đường hướng phát triển của Monsanto.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có 16 triệu ha rừng, góp phần bảo vệ môi trường, nuôi sống 20 triệu dân, tương đường 25% dân số. Tuy nhiên, người dân sống ở khu vực này rất nghèo trong khi năng suất sinh khối của rừng Việt Nam rất thấp, đạt khoảng 60 m3/ha, bằng 1/3 thế giới; công nghiệp chế biến chỉ bằng 40% mức trung bình của thế giới.
“Giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện nay đạt 7 tỷ USD, nhưng nếu làm tốt KHCN và định hướng phát triển đúng thì có thể nâng lên 50-100 tỷ USD” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng mong muốn là việc phát triển rừng ngập mặn ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tập đoàn Monsanto được biết đến là một tập đoàn hàng đầu thế giới về ngô biến đổi gen cũng như thuốc diệt cỏ, cây giống… liên quan đến lĩnh vực này. Ở Việt Nam, việc phát triển ngô biến đổi gen đang gây nhiều tranh cãi vì những lo ngại đến môi trường, đặc biệt là thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật.
Riêng với cây ngô, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về tổng thể, Việt Nam có tiềm năng phát triển, nhưng để khai thác được trên thực tế là một câu chuyện dài. Lý do cả nước có 1 triệu ha ngô nhưng năng suất và hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, 3/4 diện tích nông nghiệp của Việt Nam là núi và cao nguyên, trải dài trên 15 vĩ độ, hẹp, có độ dốc cao, với mật độ sông ngòi dày đặc. Do đó, lựa chọn những giải pháp phục vụ cho công tác canh tác từ phân bón, thuốc trừ sâu phải hết sức tính toán, ưu tiên công nghệ mới, thân thiện môi trường.
Một vấn đề được hai bên đề cập là ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Theo ông Adam Blight, Monsanto có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ số. Monsanto đã mua một công ty con chuyên về thời tiết từ lâu và công ty này tập trung sản xuất ra các phầm mềm giúp nông dân hoạch định các hoạt động trồng trọt. Công nghệ và phần mềm này đang được chào đón ở Mỹ, sử dụng trên 100.000ha; Sắp tới, sẽ triển khai sang Bra-xin, Argentina, Autralia và mong muốn bàn dự án thử nghiệm tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh ý tưởng nghiên cứu mới của tập đoàn Monsanto, qua đó tập đoàn đa dạng hóa sản phẩm. Bộ trưởng cũng lưu ý công nghệ này có thể đóng vai trò quan trọng trong trào lưu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi “vạn vật có thể kết nối” để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trở về cội nguồn của nền nông nghiệp cổ truyền. Bên cạnh đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tập đoàn có thể nghiên cứu giống đặc sản cho từng vùng miền, qua đó xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước