Trồng thử nghiệm cây thiên ngân – loài cây cho gỗ quý

ThienNhien.Net – Cây thiên ngân (Neolamarckia cadamba (Roxb) Bosser) được trồng để lấy gỗ, sau 5-8 năm cây đã cao lớn có thể thu hoạch. Cây có nhiều giá trị trong việc bảo vệ đất, chắn gió, tái tạo rừng.

Gỗ thiên ngân dùng để làm đồ gia dụng, đồ mỹ nghệ, ván sợi nhân tạo, bột giấy… Với những tác dụng đó, Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) đang trồng thử nghiệm khoảng 3.300 cây thiên ngân trên diện tích 4,5 ha.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã trồng nhiều loại cây lấy gỗ góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên sản lượng gỗ mới chỉ đảm bảo được một phần nhu cầu sử dụng gỗ. Các loại cây lấy gỗ này phải 12-15 năm mới có thể khai thác được. Từ thực tế đó, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa triển khai đề tài khoa học công nghệ trồng thử nghiệm cây thiên ngân. Cây thiên ngân là một loại cây cho gỗ quý, được trồng tại một số nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…Tại Việt Nam, thiên ngân đã được trồng thử nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An và khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các nơi trồng cây thiên ngân đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ảnh minh họa: giongcayviet.com

Cây thiên ngân có thân thẳng đứng, cao khoảng 30 – 35m, lá to, cây mọc nhanh, trong 1 năm có thể tăng khoảng 4,5 cm đến 5,5 cm đường kính; gỗ vàng nhạt, kết cấu đều, khô nhanh, tính năng bám sơn tốt. Vỏ thiên ngân, rễ thiên ngân có thể làm thuốc, lá thiên ngân có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi. Gỗ thiên ngân dùng để sản xuất đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí kiến trúc, làm ván sợi nhân tạo, bột giấy… Đặc biệt, cây thiên ngân trồng sau 5 – 8 năm sẽ thành gỗ lớn với chiều cao từ 15 đến 17m.

Nếu thâm canh cao, sau 5-6 năm đã thu hoạch được cây gỗ lớn, đường kính trung bình từ 45 đến 55 cm, chiều cao đạt từ 15 đến 17 m; sản lượng gỗ bình quân mỗi cây đạt từ 1,4 đến 1,9 m3. Doanh thu từ việc trồng cây lấy gỗ thiên ngân cao hơn khoảng 4 lần so với việc trồng cây lấy gỗ keo tai tượng và rút ngắn được khoảng gần 1/2 chu kỳ so với cây trồng lấy gỗ khác

Để triển khai mô hình này, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp với các hộ gia đình có vườn rừng tại 3 xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia; xã Phương Nghi, huyện Như Thanh; xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, để trồng thử nghiệm cây thiên ngân. Đến tháng 2/2017, số lượng cây thiên ngân được trồng thử nghiệm khoảng 3.300 cây trên diện tích 4,5 ha, cây đã trồng phát triển nhanh, chiều cao trung bình khoảng 1,2-1,7 m.

Ông Nguyễn Đình Thái – Trưởng phòng Kĩ thuật Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích cây thiên ngân ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp các hộ gia đình trồng rừng có thêm nguồn thu nhập và bổ sung cơ cấu cây trồng lâm nghiệp của tỉnh.