ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, các khu rừng giáp ranh giữa địa bàn hai tỉnh Kon Tum – Gia Lai đang bị “lâm tặc” tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối gỗ được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, hàng chục vụ việc xâm phạm rừng nghiêm trọng bị phát giác.
Tuy nhiên, vấn đề truy bắt, xác minh xử lý các đầu nậu trên địa bàn hai tỉnh vẫn còn nhiều khúc mắc cần được tháo gỡ, nhất là việc phối hợp giữa lực lượng hai địa phương trong vấn đề truy quét, quản lý và bảo vệ rừng .
Kon Tum và Gia Lai là hai tỉnh liền kề có rừng giáp ranh 9 xã thuộc 4 huyện Đăk Đoa, Kbang, Chư Păh và Ia Grai của tỉnh Gia Lai và 9 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, vùng giáp ranh giữa huyện Kbang (Gia Lai) và hai huyện Kon Rẫy, Kon Plong của tỉnh Kon Tum có diện tích rừng rộng lớp với trữ lượng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao, nhiều động thực vật quý hiếm như Voọc Chà vá chân xám, rắn hổ mang chúa… Trong nhiều năm qua, các đối tượng “lâm tặc” thường xuyên xâm phạm, lăm le khai thác các loại gỗ quỹ trên diện tích rừng tiếp giáp.
Những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017, trên khu vực rừng giáp ranh giữa thành phố Kon Tum (Kon Tum) và huyện Chư Păh (Gia Lai) liên tiếp xảy ra tình trạng “lâm tặc” tàn phá rừng phòng hộ. Sự việc nhiều đối tượng ngang nhiên vận chuyển gỗ trên sông Đăk Bla rồi tập kết tại thôn Kon Ri, xã Đăk Rơ Wa mà lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum không hề hay biết. Đến khi các cơ quan báo chí phản ánh, lực lượng chức năng của hai địa phương là thành phố Kon Tum và huyện Chư Păh mới tung lực lượng truy quét.
Từ đây lộ ra thêm nhiều vụ việc xâm hại rừng nghiêm trọng. Hàng chục mét khối gỗ được phát hiện và bắt giữ, nhiều bãi tập kết gỗ từ lâu nay mới bị phát hiện trong tình trạng… vô chủ. Nóng bỏng hơn là sự việc để mất tang vật gỗ của các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh (Gia Lai) rồi dựng hiện trường giả một vụ cướp gỗ với tính chất tạo tợn nhằm trốn tránh trách nhiệm .
Có thể thấy, việc lợi dụng địa giới hành chính tiếp giáp phức tạp về địa lí, các đối tượng “lâm tặc” đang ngày càng ra sức hoạt động tàn phá các cánh rừng tự nhiên. Việc ký kết các quy chế phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp này trong thời gian qua vẫn chưa có hiệu quả. Tình trạng “mạnh ai nấy làm, rừng nhà ai người nấy giữ” vẫn còn tồn tại khiến các cánh rừng giáp ranh đang ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề này , ông Vũ Hồng Sinh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Kon Tum thừa nhận: Trong thời gian qua, việc thực hiện các quy chế phối hợp thực hiện chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Một phần là do diện tích rừng giáp ranh dài, đường s á phức tạp, đi lại rất khó khăn. Trong khi con người, phương tiện hạn chế nên công tác kết hợp cùng tuần tra, kiểm soát các diện tích rừng giáp ranh chưa thực hiện được. Các địa phương vẫn đang hoạt động độc lập, chỉ khi nào có tin báo thì mới phối hợp cùng nhau. Ngoài ra, yếu tố địa giới hành chính cũng gây khó khăn cho việc tuần tra, truy quét trên các tuyến đường có rừng giáp ranh, mình không thể tự tiện đi qua địa phương khác để truy quét được.
Thẳng thắn nêu ra nhiều tồn tại trong vấn đề thực hiện quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng trên diện tích rừng giáp ranh, ông Hồ Đắc Thanh – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy (Kon Tum) khẳng định: Hiện quy chế phối hợp giữa hai địa phương có r ừ ng giáp ranh đang chỉ mới dừng lại ở lí thuyết trên giấy. Việc cùng phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ các diện tích rừng giáp ranh chưa đồng bộ. Chương trình hành động đang dừng lại ở mức chung chung, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Quy chế phối hợp mỗi năm ký một lần, có tổng kết đánh giá hết nhưng thực tế đang chỉ dừng lại ở mặt hình thức.
Để thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là ở những vùng rừng giáp ranh, ông Hồ Đắc Thanh cho rằng: Cần thay đổi cách làm, hành động. Không nên phân biệt rừng của địa phương nào, của đơn vị nào. Việc phân định cắm mốc rõ ràng để quản lý, nhưng trong vấn đề tuần tra, truy quét bảo vệ rừng nên cùng nhau phối hợp cùng làm. Trong quá trình tuần tra như vậy nếu phát hiện các đối tượng “lâm tặc” thì có thể truy đuổi đến cùng, tránh trường hợp chạy qua phía rừng địa phương khác thì không thể truy đuổi được nữa.