ThienNhien.Net – Trước thông tin VietnamPlus phản ánh tình trạng sụt lún, gây nguy cơ sập đổ một số căn nhà dân quanh khu vực mỏ sắt Nà Rụa thuộc tổ 14 (Tân Giang, Cao Bằng), chiều 24/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã tổ chức buổi họp “mổ xẻ” thông tin báo nêu, để tìm giải pháp xử lý ổn thỏa công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân sinh sống ven khu vực mỏ.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Thảo-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng khẳng định đã ghi nhận được thông tin báo chí phản ánh. Đây cũng là cơ hội để tỉnh và các ngành nắm bắt rõ hơn tình hình về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
“Ngay sau khi nhận được thông tin báo phản ánh, tỉnh cũng đã giao cơ quan chuyên môn xem xét và báo cáo lại tình hình cụ thể. Dù có một số nội dung tỉnh đã chỉ đạo trước khi báo nêu, nhưng qua thông tin báo phản ánh, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn,” ông Thảo nhấn mạnh.
Về kế hoạch giải quyết, ông Thảo cho biết, ngoài nội dung đã chỉ đạo, tỉnh sẽ tiếp tục giao cơ quan chức năng phối hợp với Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng xử lý các vấn đề liên quan đến việc tái định cư, vận động các hộ dân và có biện pháp di dời để đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực.
Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ cơ quan giám sát, quản lý hoạt động khai thác mỏ, ông Thái Hồng Thịnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho rằng việc đền bù giải phóng mặt bằng và quan tâm đến người dân là trách nhiệm của địa phương, song cũng phải hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
“Theo tôi nội dung thông tin báo chí phản ánh là tốt nhưng cũng nên xem xét vì nội dung phản ánh chỉ thấy cái sai của doanh nghiệp, chưa thấy được cái tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ở góc độ quản lý, trong việc này Sở tôi (Sở Tài nguyên và Môi trường) cũng có trách nhiệm. Do đó, cái gì chưa tạo điều kiện thì nên nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong các hoạt động,” ông Thịnh nói.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng khẳng định, đây là việc cực kỳ khó khăn và cũng không bao giờ đơn giản.
“Trong việc này, với người dân, họ phải chấp nhận đền bù theo các văn bản và quy phạm pháp luật. Ngược lại, đơn vị được nhận đất cũng phải thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định nhà nước, có phần gì hỗ trợ cho người dân thì cũng phải hỗ trợ,” ông Thịnh nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Vương Thanh Giang, Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng cho biết, sau khi báo chí phán ảnh, công ty đã tổ chức rà soát và có biện pháp khắc phục, hỗ trợ hết cho người dân.
Theo lời ông Giang, trong quá trình khai thác tại mỏ sắt Nà Rụa của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng có gây ảnh hưởng tới 20 hộ dân. Vì thế, công ty đã thực hiện việc đề bù, trong đó 10 hộ đã nhận tiền và chịu di dời đến khu tái định cư mới, không còn vướng mắc. 10 hộ dân còn lại, đến ngày 21/2, công ty đã chi trả hết tiền về tài sản hoa màu, đất ở cho người dân.
“Còn về việc lựa chọn phương án tái định cư (tập trung, phân tán, hay tại chỗ), sau khi báo VietnamPlus phản ánh, công ty cũng đã rà soát lại. Theo đó, có 7/10 gia đình đăng ký nhận tái định cư tại chỗ, sau đó công ty cũng đã chi trả ngay cho mỗi hộ dân 100 triệu đồng. Việc này có giấy chứng nhận và chữ ký của người dân.”
“Riêng 3 hộ còn lại, không ghi nhận bất cứ hình thức tái định cư nào, mặc dù công ty đã chi trả hết tiền nhưng hiện vẫn ở trong vùng lõi khu vực mỏ sắt. Việc này gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của công ty, đặc biệt là có nguy cơ mất an toàn,” ông Giang phân bua.
Riêng trường hợp gia đình bà Lâm Thị Vẫy hiện vẫn còn ở trong khu vực mỏ sắt Nà Rụa, ông Giang cho biết: “Ngày 3/11/2016, bà Vẫy đề nghị san nền tái định cư cho gia đình. Đến ngày 6/11, công ty đã thực hiện san nền xong nhưng đến hiện tại gia đình bà Vẫy vẫn chưa di dời. Việc này công ty sẽ tìm hiểu thêm.”
Vị Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng cũng đưa ra giải pháp: “Trước mắt, các trường hợp còn ở trong khu vực mỏ sắt như hộ bà Lâm Thị Vẫy, ông Vương Văn Pẩu, mặc dù công ty không còn trách nhiệm với các gia đình, nhưng vì công ty còn mảnh đất chưa dùng đến nên nếu người dân có nhu cầu, công ty sẽ cho mượn đất ở tạm cho đến khi nào các hộ dân có mảnh đất tái định cư tốt hơn.”
Trước đó, từ ngày 12/2, Báo VietnamPlus đăng tải bài viết “Bom đá treo trên nhà, người dân Tân Giang sống trong sợ hãi” phản ánh thực trạng sụt lún, những căn nhà nứt toác tường, tựa lưng vào bãi đổ thải “khổng lồ” của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng, đang có nguy cơ đổ sập. Thực tế này khiến người dân tổ 14, phường Tân Giang hết sức lo lắng, nhất là vào mùa mưa lũ.
Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng được phép khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Nà Rụa, phường Tân Giang và phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng theo giấy phép khai thác khoáng sản số 1271/GP-BTNMT ngày 30/6/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trữ lượng mỏ 9.625.000 tấn; diện tích khai thác 93 hécta; công suất khai thác 350.000 tấn/năm; thời gian khai thác 28 năm./.
Trong một diễn biến khác, ngày 21/2, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã có công văn số 67/KSMT-KT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, làm việc với Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng làm rõ thông tin phản ánh; đồng thời có giải pháp giải quyết thỏa đáng cho các hộ dân, đảm bảo an toàn tại khu vực khai trường khai thác mỏ sắt Nà Rụa.
Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng gửi báo cáo kết quả thực hiện về Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc trước ngày 4/3/2017./.