Chuyên gia kinh tế của ANZ: Không TPP, Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,4%

ThienNhien.Net – Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 được các chuyên gia kinh tế của ANZ dự báo sẽ chạm mốc 6,4%. Cánh cửa TPP đóng lại, nhưng cơ hội cho Việt Nam không phải đã hết bởi “Việt Nam đã dạng hóa được thị trường xuất khẩu và không quá phụ thuộc vào một thị trường nào. Điều đó tạo bước đệm tốt cho VN tránh những cú sốc khi một thị trường đóng cửa thì toàn bộ nền xuất khẩu của VN không bị tổn thương”, bà Eugenia F. Victorino – Chuyên gia kinh tế ASEAN của ANZ cho biết.

Tổng thống Donal Trump tuyên bố Mỹ rút ra khỏi TPP. Ảnh: Internet

RCEP thành công sẽ bù đắp cơ hội đã mất của TPP

Trao đổi với báo chí, bà Eugenia F. Victorino – Chuyên gia kinh tế ASEAN của ANZ cho biết: “TPP đổ vỡ, trên thực tế Việt Nam mới chỉ mất đi cơ hội chứ chưa mất điều gì đã có trong tay. Một số chuyên gia lo lắng việc TPP thất bại sẽ khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm xuống. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm 22%. Số còn lại Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới”. Bà Eugenia F. Victorino cho rằng kể cả khi hiệp định TPP có hiệu lực thì cũng phải mất 10 năm để Việt Nam bắt đầu có được lợi ích rõ rệt.

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á của ngân hàng ANZ cho rằng “ Mỹ có toàn quyền kiểm soát chính sách thương mại của họ nhưng Mỹ không thể kiểm soát thương mại toàn cầu. Vì vậy phản ứng của các quốc gia khác như thế nào cũng không kém phần quan trọng. Thực tế các quốc gia còn lại vẫn theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa và tham gia vào đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu hiệp định RCEP thành công sẽ bù đắp lại cho những cơ hội bị mất đi do TPP không còn nữa.

“Chúng tôi tin rằng việc đàm phán và kí kết Hiệp định RCEP được đẩy nhanh trong thời gian tới và cùng với việc Việt Nam phê chuẩn EUFTA thì sẽ thúc đẩy VN trở nên hấp dẫn với FDI. Như vậy Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được từ toàn cầu hóa, trở thành trung tâm sản xuất của thế giới”, bà Eugenia F. Victorino nói.

GDP Việt Nam năm 2017 tăng nhờ nông nghiệp

Dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017, bà Eugenia F. Victorino cho biết tăng trưởng GDP năm 2017 được dự báo cao hơn năm 2016. Tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,2% và dự báo GDP năm 2017 sẽ là 6,4%. Theo các chuyên gia ANZ, nguyên nhân dự báo tăng trưởng GDP là do khu vực nông nghiệp của Việt Nam được kì vọng sẽ phục hồi và thu lại kết quả tốt hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục đi theo đà tăng trưởng. Mặc dù các chuyên gia ANZ cho rằng vẫn có nhiều rủi ro hơn đối với tiến trình toàn cầu hóa nhưng Việt Nam sẽ dẫn đầu làn sóng công nghiệp hóa cuối cùng ở Đông Nam Á và đi đầu trong làn sóng công nghiệp hóa trong các nước ở tiểu vùng sông Mê Kông.

“Việt Nam sở hữu tuyến vận tải quan trọng nhất để kết nối Trung Quốc và Ấn Độ với các nước ASEAN. Với vị trí địa lý quan trọng này cùng với tiến trình công nghiệp hóa, tôi tin Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng để kết nối nền kinh tế ở ngoại vi với toàn bộ khu vực Đông Nam Á”, bà Eugenia F. Victorino nhận định.

Các chuyên gia kinh tế của ANZ đánh giá cao việc Việt Nam đã dạng hóa được thị trường xuất khẩu, và mặt hàng xuất khẩu. Hiện tại Việt Nam không quá phụ thuộc vào một thị trường nào. Điều đó tạo bước đệm tốt cho VN tránh những cú sốc nếu thị trường nào đó đóng cửa thì toàn bộ nền xuất khẩu của VN không bị tổn thương.

VN không chỉ xuất khẩu nông sản mà đã trở thành nước quan trọng xuất khẩu các mặt hàng điện tử. Năm 2017, dự báo giá dầu sẽ tăng lên. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô vì vậy đây cũng là yếu tố giúp thúc đẩy xuất khẩu VN trong năm 2017.

Các nhà đàm phán thương mại VN thì tích cực trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương và EVFTA. Vì vậy VN không bị phụ thuộc vào ASEAN trong đàm phán thương mại đa phương. Điều này giúp thúc đẩy VN mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình. EUFTA sẽ giúp cho 2 ngành hàng là xuất khẩu điện tử và may mặc. Hiện VN đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng may mặc và da giày sang Châu Âu. Khi EUFTA thực hiện thì sẽ giúp VN xuất khẩu nhiều hơn trong thị trường này.

Nguồn: