ThienNhien.Net – Thời gian qua, việc kiểm soát chất lượng đối với rau, củ, quả từ các tỉnh lân cận nhập vào TP Hồ Chí Minh vẫn bỏ ngỏ. Vì thế, việc sơ chế, dán nhãn và truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng là biện pháp sẽ được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện thời gian tới nhằm siết chặt hơn nữa công tác an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cho mặt hàng thiết yếu này.
Sáng rau, chiều rác
Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, thành phố là thị trường tiêu thụ rau, củ, quả lớn nhất cả nước, khoảng 1 triệu tấn/năm. Hiện các vùng trồng tại TP Hồ Chí Minh chỉ cung cấp khoảng 300 nghìn tấn/năm cho thị trường và xuất khẩu. Còn lại khoảng 70% lượng rau, củ, quả tiêu thụ tại thành phố được nhập về từ Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai… Việc bảo đảm chất lượng rau, củ, quả thời gian qua đã được các cơ quan chức năng thành phố triển khai mạnh mẽ khi đã cấp 98 giấy chứng nhận cho 47 cơ sở thuộc địa bàn thành phố và 11 tỉnh lân cận tham gia chuỗi thực phẩm an toàn.
Thời gian qua, lượng rau, củ, quả từ các tỉnh sau khi thu hoạch được nhập về TP Hồ Chí Minh thông qua các chợ đầu mối nông sản (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn). Tại đây, rau củ, quả, mới được sơ chế, đóng gói và kiểm soát chất lượng thông qua công tác lấy mẫu xét nghiệm. Biện pháp kiểm tra được thực hiện chủ yếu tập trung trên những loại có nguy cơ cao, điển hình là các loại rau ăn lá. Điều này gây ra tình trạng nhức nhối lâu nay là khi phát hiện lô hàng không bảo đảm thì rau, củ, quả đã được tiêu thụ hết ngoài thị trường. Ngoài ra, việc sơ chế tại các chợ đầu mối cũng khiến lượng rau, củ, quả cung cấp cho thị trường bị giảm giá trị đáng kể.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hầu hết các loại rau, củ, quả được sơ chế đơn giản, trong quá trình vận chuyển chưa được đóng gói và bảo quản, khiến sản phẩm bị dập, ủng nên đến chợ phải sơ chế lại. Nhiều loại như cải bắp, cải thảo…, sau khi sơ chế lại phải loại bỏ đến 40%.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tại ba chợ đầu mối nông sản của thành phố, có những loại rau phải sơ chế nhiều nên xảy ra hiện tượng “sáng rau, chiều rác”, ước tính khoảng 150 tấn rác/ngày. Điều này cũng cho thấy vấn đề sơ chế, đóng gói tại nguồn chưa tốt khiến cho chất lượng, giá trị nông sản sụt giảm. Lượng rác này quá lớn khiến công tác dọn vệ sinh tại các chợ đầu mối gặp nhiều khó khăn, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiềm ẩn nguy cơ phát triển của mầm bệnh.
Sơ chế, đóng gói tại nguồn
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, sắp tới thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh có nguồn cung rau, củ, quả để đẩy mạnh sơ chế tại nguồn, giúp nâng cao giá trị nông sản và giảm áp lực ô nhiễm tại các chợ đầu mối của thành phố. Hiện một số doanh nghiệp, HTX tại một số tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho khâu sơ chế nông sản để tiêu thụ trong chuỗi thực phẩm an toàn tại phần lớn là kênh bán lẻ hiện đại.
Theo khảo sát của Sở NN& PTNT, công suất của các cơ sở sơ chế này vẫn còn nên có thể khuyến khích thực hiện gia công cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Trung, những cơ sở sơ chế tại nguồn vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn về rau, củ, quả của TP Hồ Chí Minh, do đó cần có những chính sách khuyến khích đầu tư thêm về cơ sở vật chất cũng như nhân lực.
Để có thể đánh giá nhằm nhân rộng mô hình này, ông Nguyễn Phước Trung cho biết, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm sơ chế tại nguồn đối với nông sản của tỉnh Lâm Đồng – địa phương cung cấp khoảng 1.500 tấn rau, củ, quả/ngày cho thành phố, chiếm hơn 50% – áp dụng với các mặt hàng phải loại bỏ nhiều sau sơ chế. Đồng thời, Sở cũng lấy ý kiến người dân, trang trại và chợ đầu mối để đưa ra được so sánh giá giữa hai cách làm (sơ chế tại nguồn và nhập thô), qua đó để người dân, tiểu thương lựa chọn với cách làm nào có lợi hơn.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc sơ chế rau, củ, quả tại nguồn trước khi đưa về các chợ đầu mối phải gắn công tác đóng gói, dán nhãn hiệu nhà cung cấp, tiến tới truy xuất nguồn gốc. Nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần bảo đảm về an toàn thực phẩm, đồng thời còn giảm áp lực xử lý rác tại TP Hồ Chí Minh.
Thống kê của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 2 tháng đầu năm đạt 1.986,2 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, trồng trọt đạt 577 tỷ đồng (tăng 4,9%); chăn nuôi đạt 739 tỷ đồng (tăng 5,2%); thủy sản đạt 502,5 tỷ đồng (tăng 4,1%); diện tích gieo trồng rau an toàn của thành phố đạt 4.550ha. |