ThienNhien.Net – Mặc dù Mỹ và Nhật Bản tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương, thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có thể vẫn có khả năng sống sót.
Mỹ và Nhật đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán mới về thương mại và đầu tư, làm gia tăng suy đoán về một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai đồng minh an ninh. Tuy nhiên, TPP không phải không có hy vọng, khi Bộ trưởng Thương mại Australia cam kết sẽ cứu vãn thỏa thuận này trong các cuộc đàm phán tháng Ba.Sau khi tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên vào ngày 10.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra tuyên bố chung, cam kết theo đuổi các mối quan hệ kinh tế song phương và khu vực mạnh mẽ hơn, “dựa trên các quy tắc thương mại tự do và công bằng”. “Điều này sẽ bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư, giảm rào cản thị trường, tăng cơ hội để tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Châu Á Thái Bình Dương” – hai nhà lãnh đạo bổ sung, lưu ý rằng nền kinh tế hai nước chiếm 30% GDP toàn cầu.
Nhật Bản hoan nghênh sự ủng hộ cho học thuyết Abenomics trong tuyên bố chung, “cách tiếp cận ba mũi nhọn để củng cố các chính sách tài khóa, tiền tệ và cơ cấu, nhằm thúc đẩy nhu cầu kinh tế trong nước và toàn cầu”. Quan trọng hơn, tuyên bố chung cũng cho phép Nhật Bản tiếp tục theo đuổi TPP, ngay cả sau tuyên bố ngày 23.1 của Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ – nền kinh tế lớn nhất trong khối – ra khỏi hiệp định này.
Mặc dù Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, song tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Trump và Abe vẫn nói rằng, hai đồng minh sẽ tìm cách thức tốt nhất để theo đuổi tự do thương mại hơn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả các cuộc đàm phán song phương, “cũng như việc Nhật Bản tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc trong khu vực dựa trên những sáng kiến hiện tại”. Tuyên bố nói rõ, Nhật Bản sẽ hoan nghênh “chuyến thăm sớm” của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Cùng với Phó Tổng thống Pence, Phó Thủ tướng Nhật kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso dự kiến sẽ “tạo ra một khuôn khổ mới cho đối thoại”. Cũng như thương mại song phương, đối thoại dự kiến sẽ bao gồm hợp tác về các chính sách tiền tệ và tài khóa, trong các lĩnh vực như không gian mạng, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Một quan chức Nhật Bản nói với tờ Nikkei rằng, “ngay cả khi chúng tôi tiếp tục hối thúc Mỹ về TPP, chúng tôi cũng không bỏ qua đàm phán song phương. Chúng tôi sẽ thảo luận về những khuôn khổ tốt nhất”.
Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, “hơn 150 tỉ đầu tư mới của Nhật Bản đã đổ sang Mỹ” trong năm qua. Còn Tổng thống Trump nói rằng, sẽ tìm kiếm quan hệ thương mại cùng Nhật Bản dựa trên nguyên tắc “tự do, công bằng, tương hỗ và mang lại lợi ích cho cả hai nước”. Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Trump đưa ra chỉ trích về chính sách thương mại “không công bằng” của Nhật Bản gây trở ngại cho xuất khẩu ôtô Mỹ, và chỉ trích về cáo buộc Nhật và Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Tổng thống Trump nói, Mỹ sẽ “hoan nghênh một tay chơi thậm chí lớn hơn” về thương mại, nhờ chính sách thuế dựa trên ưu đãi. Các ông chủ lớn của Nhật Bản, bao gồm lãnh đạo Toyota Motor, hoan nghênh bình luận của ông Trump. Trước đó, trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo kinh doanh Mỹ, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng 70% ôtô Nhật Bản nhằm vào thị trường Mỹ được sản xuất ở Mỹ.
Trong khi Châu Á đang phân tích những tác động của một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Nhật Bản và Mỹ, thì ít nhất một thành viên trong nhóm TPP là Australia quyết tâm không để công sức 5 năm đàm phán trôi xuống sông xuống bể. Bộ trưởng Tài chính Australia Steven Ciobo nói với Bloomberg News rằng, TPP vẫn thích đáng ngay cả khi Mỹ rút lui, bất chấp bình luận trước đó của Thủ tướng Abe “TPP là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ”.
“Nhắc đến TPP, chúng ta đã trải qua những thời gian đàm phán cam go để đạt được kết quả trong nhiều năm. Tôi không muốn, và tôi biết nhiều nước khác, cũng không muốn để những thành quả này tuột khỏi tay” – ông Ciobo nói. “Đó là lý do vì sao tôi muốn tập trung vào việc liệu chúng ta có khả năng thành lập một “TPP 12 trừ 1″ hay không. Chúng ta sẽ có một cuộc họp ở Chile vào tháng 13 năm nay để xem xét tất cả các lựa chọn”.
Khi được hỏi về quy định TPP đòi hỏi ít nhất 85% GDP của các nước thành viên để được thông qua, ông Ciobo nói điều đó có thể được khắc phục với một số “tinh chỉnh nhỏ”. “Chúng ta có thể có một số thay đổi nhỏ về văn bản cho phép loại trừ Mỹ nhưng vẫn giữ TPP. Ngoài ra, nếu cần phải dự thảo lại một số điểm nhất trí, thì đó cũng là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt mà chúng ta cần giải quyết” – ông Ciobo nói. “Ở giai đoạn này, tôi đang theo đuổi một cách tiếp cận tối giản, đó là chúng ta sẽ giữ những thành quả đã đạt được về TPP, áp dụng cho càng nhiều quốc gia thành viên càng tốt, những nước sẵn sàng ký kết những điều khoản này”.
Ông Ciobo cho rằng, một TPP rút gọn nhưng vẫn bao gồm các nước như Australia, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore “vẫn sẽ là một kết quả tuyệt vời”. Bộ trưởng Thương mại Singapore Lim Hng Kiang cho biết, theo đuổi một hiệp định TPP 11 thành viên sẽ là một khả năng, tùy thuộc vào “sự cân bằng lợi ích khi không có Mỹ”. Còn các nước khác như Mexico và New Zealand đã bày tỏ ủng hộ làm sống lại TPP.