ThienNhien.Net – Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phối hợp với Ban quản lý dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu (NCMR NMLD) Dung Quất vừa tổ chức chương trình tham vấn cộng đồng dân cư về báo cáo tác động môi trường cho dự án NCMR Nhà máy tại xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Mục đích của chương trình nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi người dân, gắn nghĩa vụ thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của BSR với việc giám sát của cộng đồng.
Ông Khương Lê Thành, Phó Tổng giám đốc, đại diện Công ty cho biết: “Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy luôn được Chính phủ và các cơ quan giám sát, kiểm định đánh giá cao về công tác bảo vệ môi trường. Môi trường thủy sinh, hồ chứa nước thải, không khí bên trong và bên ngoài Nhà máy đều hoạt động bình thường với các chỉ số đạt chuẩn quốc gia”.
Qua đó, BSR xây dựng hệ thống quản lý về môi trường khi mở rộng NMLD Dung Quất, cam kết chọn nhà thầu đủ năng lực để giám sát về môi trường của Nhà máy. BSR mong muốn rằng, chính quyền địa phương hai xã Bình Trị và Bình Thuận, cùng với nhân dân khu vực đồng thuận, chung sức để Dự án NCMR NMLD Dung Quất được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ. BSR cam kết sẽ luôn thực hiện các chương trình an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho nguồn thu của tỉnh Quảng Ngãi và ngân sách của Nhà nước.
Được biết, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Tổng vốn cho dự án khoảng 1,82 tỷ USD.
Quy mô đầu tư bao gồm bổ sung một số phân xưởng công nghệ mới, nâng công suất của các phân xưởng hiện hữu; cải hoán các phân xưởng phụ trợ; bổ sung thêm một phao rót dầu không bến (SPM) để đáp ứng tàu có tải trọng tới 300.000 DWT cập bến. Đồng thời, nâng cấp 2 bến xa bờ của cảng xuất sản phẩm để đáp ứng tàu trọng tải 50.000 DWT và nâng cấp các bến gần bờ cho tàu 30.000 DWT. Bổ sung thêm các bể chứa dầu thô, bể chứa trung gian và bể chứa sản phẩm.
Khu Kinh tế Dung Quất đã chuẩn bị 4 khu đất với tổng diện tích 108,2ha (3 khu nằm sát nhà máy hiện hữu, 1 khu cạnh cảng xuất sản phẩm) để bàn giao cho Ban quản lý dự án NCMR. Cụ thể, diện tích xây dựng 94ha, phần diện tích hành lang an toàn khoảng 14,2ha thuộc địa bàn hai xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn.
Tại xã Bình Thuận, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE) thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã trình bày một số nét chính về tổng quan dự án và những hạng mục môi trường của dự án. Trung tâm là đơn vị nhà thầu của BSR tổ chức khảo sát môi trường 2 lần/năm vào mùa khô và mùa mưa và báo cáo tác động môi trường của NMLD Dung Quất. Hiện tại, các chỉ số môi trường ở nhà máy đều thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam cho phép. Khí thải, nước thải và chất thải rắn đều được thu gom, xử lý theo quy định hiện hành. 8 năm vận hành NMLD Dung Quất chưa từng xảy ra một sự cố môi trường nào.
Sau khi NCMR, Nhà máy sẽ có tổng cộng 17 ống khói, 2 đuốc đốt; công suất của khu vực xử lý nước thải nâng từ 565 m3/giờ lên 764 m3/giờ. Các chất thải rắn cũng được phân loại nghiêm ngặt và chuyển cho nhà thầu xử lý. Tất cả những trang thiết bị thu gom, xử lý không khí, nước thải, chất thải đều được đầu tư hiện đại từ các nước G7.
Thực tế, xã Bình Thuận là xã có một số hạng mục của Nhà máy và dự án NCMR như khu vực bồn bể sản phẩm, khu vực xuất sản phẩm bằng đường bộ, khu xuất sản phẩm bằng đường biển và cảng. Những hạng mục này hầu như không tác động đến môi trường sống xung quanh nên các ý kiến đóng góp của nhân dân Bình Thuận đều đồng tình và nhất trí với dự án NCMR; ủng hộ dự án và sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân (chủ yếu nghề biển) song song với bảo vệ môi trường.
BSR sẽ áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường từ khâu thiết kế, lựa chọn thiết bị, thi công và vận hành nhằm giảm tối đa các tác động có thể xảy ra từ quá trình nâng cấp, mở rộng và vận hành NMLD Dung Quất, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường của pháp luật Việt Nam và bảo vệ môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh nhà máy.
Chương trình tham vấn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực của nhân dân hai xã Bình Trị và Bình Thuận như: việc xây dựng hành lang an toàn môi trường trên biển không ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, đánh bắt thủy hải sản của người dân; việc thắt chặt kiểm soát an ninh trật tự trong quá trình NCMR khi nhân công tăng; việc quản lý nhà thầu, nhân công, xe cộ, tài sản; việc xử lý chất thải xây dựng, khí thải, nước thải, tiếng ồn; thông báo kịp thời những khu vực có thể chịu tác động để người dân nhanh chóng có biện pháp xử lý.